Người dân vùng sâu Gia Lai mong muốn có cầu dân sinh để thuận tiện đi lại, giao thương
Từ trước đến nay, hàng trăm hộ dân ở các thôn Phú Yên, Kon Hoa, Kon Chrah, Phú Danh (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) phải lội suối A Reng để đến khu sản xuất của gia đình. Sau nhiều đợt lũ, hai bên bờ suối A Reng bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại.
TTXVN - Nhiều khu sản xuất của người dân vùng sâu huyện Mang Yang (Gia Lai) bị chia cắt bởi những con suối khiến việc đi lại, vận chuyển nông sản gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bà con nơi đây luôn mong muốn có cây cầu dân sinh để việc đi lại, giao thương được thuận tiện hơn.
Từ trước đến nay, hàng trăm hộ dân ở các thôn Phú Yên, Kon Hoa, Kon Chrah, Phú Danh (xã Hà Ra, huyện Mang Yang) phải lội suối A Reng để đến khu sản xuất của gia đình. Ông Thôm, Trưởng thôn Kon Hoa cho biết, khu sản xuất Rư có diện tích hơn 200 ha của nhiều hộ dân ở các làng Kon Hoa, Kon Chrăh và thôn Phú Yên.
Để đến đây, bà con phải đi dọc theo đường mòn rồi băng qua suối A Reng. Mùa khô, dòng suối trơ đáy, phương tiện chính để người dân chở nông sản là xe máy. Vào mùa mưa, bà con phải đi đường vòng hơn 15 km qua các xã: Ayun, Đak Jơ Ta mới đến được khu sản xuất. Sau nhiều đợt lũ, hai bên bờ suối A Reng bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó khăn và nguy hiểm cho người dân mỗi khi qua lại.
Ông Thôm cho hay, làng Kon Hoa có 179 hộ với 820 khẩu, 99% dân số là đồng bào dân tộc Bahnar. Không có cầu qua suối, bà con gặp nhiều khó khăn trong vận chuyển nông sản nên rất mong mỏi sớm có cây cầu bắc qua suối A Reng.
Trên chiếc xe máy, vợ chồng anh Dưm (thôn Phú Danh, xã Hà Ra) liều mình phóng xe qua suối. Do nước chảy xiết, chiếc xe lảo đảo, anh Dưm phải dùng chân chống đẩy để xe khỏi bị mắc kẹt. Anh Dưm cho biết, gia đình anh có 4 sào lúa và khoai mì ở phía bên kia suối A Reng. Do không có cầu nên việc vượt suối qua rẫy rất khó khăn, nguy hiểm. Khổ nhất là mùa mưa, nước dâng tới ngực. Sợ lúa bị hỏng, gia đình anh phải cõng xe, cõng lúa qua suối. Có lúc nước chảy mạnh, vợ chồng anh không qua được, chấp nhận để lúa, khoai mì bị hư hỏng.
Theo ông Kứi (làng Kon Hoa, xã Hà Ra) cho hay, cứ đến mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về khiến hai bên bờ suối sạt lở nghiêm trọng. Lòng suối có nơi rộng 20 - 30 m khiến bà con không thể băng qua được. Để rút ngắn khoảng cách đi lại, có người đã liều lĩnh vượt suối, bơi qua dòng nước chảy xiết để đi làm rẫy hoặc từ rẫy về nhà.
Ông Kứi chia sẻ, bị ngăn cách bởi con suối A Reng, cuộc sống của người dân gặp nhiều trở ngại. Gia đình ông có 1 ha cà phê, 6 sào lúa tại khu sản xuất này. Vào mùa thu hoạch, ông phải vác từng bao cà phê, lúa qua bên kia đồi để tập kết rồi mới chở về nhà. Có khi, ông phải ngủ lại rẫy vài ngày.
Ông Thơng, Trưởng thôn Kon Chrăh, xã Hà Ra cho biết, từ làng ra khu sản xuất Rư khoảng 4 km nhưng vào mùa mưa, người dân phải đi vòng hơn 15 km. Trước đây, gia đình ông có 2 sào đất ở bên kia suối, do khó khăn trong việc vận chuyển nông sản nên đành bán lại để mua đất ở chỗ khác. Phần lớn hộ dân trong làng có đất sản xuất ở đây và chủ yếu trồng lúa, cà phê, bời lời. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đều có ý kiến mong Nhà nước quan tâm xây dựng một cây cầu để bà con di chuyển an toàn hơn.
Chủ tịch UBND xã Hà Ra Trần Thanh Tuấn nhấn mạnh, mỗi khi mùa mưa đến, người dân trên địa bàn phải đi vòng hàng chục cây số để đến rẫy. Việc đầu tư xây dựng cây cầu qua suối A Reng có ý nghĩa quan trọng, không chỉ tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giao thương mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Chính quyền xã mong mỏi các ngành, các cấp sớm bố trí kinh phí đầu tư xây dựng cây cầu để đảm bảo an toàn, đồng thời hỗ trợ việc vận chuyển nông sản cho người dân trên địa bàn./.
- Từ khóa:
- xây cầu dân sinh
- suối A Reng
- Gia Lai