Sức khỏe

Khánh Hòa: Nâng cao nhận thức, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm

Khánh Hòa

Tháng hành động được tổ chức từ ngày 15/4-15/5, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thực hành trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp, người dân.

Xe diễu hành Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 đi qua các tuyến phố trung tâm thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

TTXVN - Sáng 18/4, Ban Chỉ đạo liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Khánh Hòa phát động Tháng hành động Vì an toàn thực phẩm với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Tháng hành động được tổ chức từ ngày 15/4-15/5, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và thực hành trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm của doanh nghiệp, người dân trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa phát động Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Ông Đinh Văn Thiệu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, trong Tháng cao điểm hành động Vì an toàn thực phẩm 2023, UBND tỉnh đề nghị các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; phát triển các vùng sản xuất thực phẩm an toàn. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố nghiêm túc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm; chủ động nâng cao năng lực phòng ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm thiểu ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Người dân mua trái cây tươi sống có nguồn gốc rõ ràng ở một siêu thị thành phố Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN) 

Ông Nguyễn Thanh Hải, người dân phường Phước Tiến, thành phố Nha Trang, mua rau củ quả tại một siêu thị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cho rằng, đảm bảo an toàn thực phẩm là trách nhiệm toàn dân. Do đó, ông luôn ủng hộ việc mua thực phẩm sạch để đảm bảo an toàn sức khỏe, giảm thiểu nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm. Trước đó, năm 2022 trên địa bàn thành phố Nha Trang có vụ ngộ độc tập thể trong trường học, nên ông rất sợ hàng hóa không đảm bảo nguồn gốc xuất xứ. Do đó, ông luôn chọn siêu thị là điểm mua hàng và khuyên mọi người nên mua hàng hóa ở các siêu thị, các chuỗi cửa hàng tiện lợi, nếu ở chợ nên chọn những nơi có độ tin tưởng cao.

Ông Võ Đình Dũng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Nha Trang chia sẻ, với vai trò là một nhà bán lẻ các sản phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, đội ngũ cán bộ, nhân viên của siêu thị ý thức được trách nhiệm phục vụ hàng hóa chất lượng tốt nhất đến người tiêu dùng. Các sản phẩm được bán ra thông qua hệ thống siêu thị đều được kiểm duyệt kỹ lưỡng. Chất lượng đầu vào luôn được đảm bảo là hàng VietGAP, hàng Việt Nam chất lượng cao… Đối với sản phẩm rau, củ, quả, thịt, cá, trước khi đưa vào trưng bày bán ở các kệ hoặc chế biến thực phẩm chín đều được kiểm soát ngay từ khâu nuôi trồng bằng cách cho nhân viên chuyên môn của siêu thị đi kiểm tra đột xuất, định kỳ khi nhập hàng ở các hợp tác xã và tiến hành kiểm soát dư lượng hóa chất thực vật trước khi đưa lên kệ 30 phút…

Nhân viên cửa hàng lựa chọn thực phẩm tươi sống đưa lên kệ bày bán ở một siêu thị thành phố Nha Trang. (Ảnh: Phan Sáu/TTXVN)

Từ đầu năm đến giữa tháng 4, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Sở Y tế Khánh Hòa đã thành lập 8 đoàn kiểm tra, giám sát về an toàn thực phẩm tại 69 cơ sở. Đoàn kiểm tra phát hiện 4 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai vi phạm quy định về an toàn thực phẩm và xử phạt trên 97 triệu đồng, đình chỉ hoạt động 2 tháng và buộc thu hồi sản phẩm không bảo đảm chất lượng theo quy định./.

Phan Sáu

Tin liên quan

Xem thêm