Chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” là cầu nối cho nhiều gương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu tại Thành phố Hồ Chí Minh giao lưu, trò chuyện và chia sẻ về con đường vượt lên số phận của chính mình.
TTXVN - Ngày 18/4, nhân kỷ niệm 25 năm Ngày Người khuyết tật Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” năm 2023.
Tại chương trình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Trần Phượng Trân cho biết, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có nhiều hoạt động thiết thực, nhân văn để chăm sóc, giúp đỡ phụ nữ khuyết tật trên địa bàn như: chương trình phối hợp cùng Hội Người mù Thành phố giai đoạn 2022-2027, hỗ trợ phụ nữ khuyết tật vay vốn phát triển kinh tế, giới thiệu việc làm, tổ chức dạy nghề, trao phương tiện sinh kế, sửa chữa và trao mái ấm tình thương, tổ chức khám chữa bệnh… Từ đó, quyền của phụ nữ khuyết tật được đảm bảo, tạo sự bình đẳng trong các hoạt động xã hội.
Hội Phụ nữ các cấp quan tâm đến hoạt động tăng cường năng lực cho phụ nữ khuyết tật trong cộng đồng dân cư nhằm giúp các chị tự khẳng định bản thân, thay đổi hành vi, có cơ hội hòa nhập và phát triển. Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ 1.052 lượt hội viên khuyết tật vay vốn với tổng số tiền hơn 8,7 tỷ đồng; định hướng đào tạo nghề cho 536 chị, giới thiệu việc làm cho 886 chị.
Theo bà Nguyễn Trần Phượng Trân, đáp lại sự quan tâm, tình cảm yêu thương của Hội Phụ nữ các cấp, nhiều phụ nữ khuyết tật đã tự tin hơn, không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt lên số phận. Nhiều chị trở thành tấm gương sống tốt cho cộng đồng. Các chị còn là người mẹ, người vợ, người chị, người con hiếu thảo, có trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cái và xây dựng gia đình hạnh phúc. Cuộc sống tuy gặp nhiều khó khăn, các chị luôn nỗ lực vượt qua tất cả để nuôi dạy con nên người, xây dựng gia đình văn hóa.
Chương trình “Vẻ đẹp vầng trăng khuyết” là cầu nối cho nhiều gương phụ nữ khuyết tật tiêu biểu tại Thành phố giao lưu, trò chuyện và chia sẻ về con đường vượt lên số phận của chính mình. Theo đó, mỗi người một hoàn cảnh, có người bị khuyết tật chân tay bẩm sinh, người bị khiếm thính, khiếm thị, người bị tai nạn trong cuộc sống nhưng ở đều có chung một điểm là sự kiên trì, vượt khó. Cuộc sống càng khó khăn, họ càng sáng tạo, có sức sống mãnh liệt để tạo ra sản phẩm chất lượng, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bản thân và giúp ích cho xã hội.
Do di chứng dioxin, chị Huỳnh Thanh Thảo (ngụ huyện Củ Chi) bị xương thủy tinh, không đi lại được. Chưa một ngày được đến trường vì sức khỏe và điều kiện di chuyển, chị luôn phấn đấu tự học chữ, tự học tiếng Anh, học vẽ, sử dụng máy tính. Hiện nay, chị trở thành cô giáo của các trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và là chủ “Thư viện mini cô Ba” với hơn hai ngàn đầu sách các loại. Ngoài “Thư viện mini cô Ba”, chị còn vận động và điều hành Quỹ học bổng cô Ba ấp Ràng dành cho trẻ em nghèo hiếu học trên địa bàn huyện Củ Chi và Quỹ hỗ trợ vốn cho người khuyết tật trên khắp cả nước.
Chị Trần Thuỵ Thúy Vy (ngụ Quận 4) bị liệt chân phải sau một cơn sốt nặng khi còn nhỏ. Gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhưng chị Vy chưa bao giờ cảm thấy mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết cơ thể. Chị coi đó là động lực để vượt khó vươn lên trong học tập, lao động, trở thành nghệ nhân có đôi tay tài hoa sáng tác tranh giấy xoắn. Chị Thúy Vy đã thành lập Cơ sở tranh giấy xoắn Alice Quilling để truyền nghề và tạo việc làm cho người đồng cảnh ngộ.
Dịp này, Ban Tổ chức trao Bằng khen của Hội Liên hiệp Phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh cho 25 phụ nữ khuyết tật vượt khó; trao vốn hỗ trợ 19 phụ nữ khuyết tật phát triển kinh tế gia đình, với tổng trị giá 155 triệu đồng; tặng quà 200 phụ nữ khuyết tật khó khăn. Chương trình còn tổ chức triển lãm ảnh về gương phụ nữ vượt khó cùng các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm do phụ nữ khuyết tật thực hiện. Đa số sản phẩm là hàng thủ công như túi, giỏ, balo, tranh ốc, tranh giấy xoắn, trang sức…, được làm một cách khéo léo, mẫu mã độc lạ, thu hút nhiều người tiêu dùng quan tâm./.