Xã hội

Sơn La: Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật

Sơn La

Năm 2022, Sơn La có 14.349 người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng kinh phí gần 76 tỷ đồng. Tỉnh thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trợ giúp người khuyết tật.

Anh Lò Văn Công, ở bản Khoang, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La chăm sóc đàn bò sinh sản của gia đình. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

TTXVN - Các cấp Hội, các ngành, đoàn thể và cá nhân trong tỉnh Sơn La luôn tích cực vận động hỗ trợ làm nhà tình thương, phát triển kinh tế, tặng xe lăn, nhận chăm nuôi, đỡ đầu trẻ em, thăm hỏi, tặng quà người khuyết tật..., giúp họ vơi bớt khó khăn về vật chất, tinh thần, ổn định đời sống.

Anh Lò Văn Công, ở bản Khoang, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, không may bị teo cơ chân từ nhỏ. Gia đình anh cũng không có vốn, đất sản xuất. Mặc dù việc đi lại gặp nhiều khó khăn, sức khỏe hạn chế nhưng anh Công vẫn đi phụ xây dựng, còn vợ anh đi làm nương, hái cà phê thuê, thu nhập rất bấp bênh, bữa no bữa đói; con trai lớn của anh học đến lớp 2 thì phải nghỉ ở nhà phụ giúp bố mẹ. Nhiều năm nay, cuộc sống của gia đình anh Công cứ thế trôi đi trong căn nhà tạm, xập xệ.

Anh Lò Văn Công, ở bản Khoang, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La không may bị teo cơ chân từ nhỏ được hỗ trợ xây dựng một căn nhà mới năm 2022. (Ảnh: Quang Quyết/TTXVN)

Năm 2022, các nhà hảo tâm, Hội Bảo trợ Người khuyết tật và Trẻ mồ côi thành phố Sơn La hỗ trợ gia đình anh Công xây dựng một căn nhà mới rộng khoảng 50m2. Anh cũng được vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư mua bò giống về nuôi sinh sản cùng với công việc trồng, chăm sóc cây cà phê. Có thêm nguồn thu nhập, cuộc sống gia đình anh dần được cải thiện, khó khăn cũng vơi bớt.

Theo thống kê đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh Sơn La có 18.657 người khuyết tật. Hàng năm, các cấp Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ mồ côi của tỉnh, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; các ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị, cộng đồng đã tích cực tham gia xây dựng Quỹ Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi. Năm 2022, tỉnh có 14.349 người khuyết tật được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với tổng kinh phí gần 76 tỷ đồng.

Cùng với đó, các đơn vị đã thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về trợ giúp, hỗ trợ học văn hóa, dạy nghề, tạo việc làm, với các nghề chủ yếu như sửa chữa, đóng giày dép da... đối với người khuyết tật còn khả năng lao động. Đồng thời, phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp, nhà tài trợ, nhà hảo tâm hỗ trợ về vật chất, tinh thần, tạo điều kiện tốt nhất để người khuyết tật hòa nhập với cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn.

Bà Dương Thị Thu Huyền, Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Sơn La cho biết, thực hiện chức năng tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, hướng nghiệp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có trẻ em khuyết tật. Trung tâm luôn làm tốt công tác quản lý, giáo dục, chăm sóc về sức khỏe, y tế, dinh dưỡng, đảm bảo đầy đủ theo chế độ, tiêu chuẩn của Nhà nước. Một số cháu là trẻ em dưới 16 tuổi không có người nuôi dưỡng bị khuyết tật, trong đó có những đối tượng khuyết tật đặc biệt nặng, Trung tâm cũng chú trọng công tác chăm sóc, thường xuyên thăm khám sức khỏe, có kế hoạch phục hồi chức năng cho các đối tượng. Hàng năm, Trung tâm cũng tích cực tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, cơ quan, đoàn thể, các nhà hảo tâm để có thêm nguồn kinh phí chăm sóc cho các đối tượng ngày càng tốt hơn.

Để nâng cao đời sống tinh thần cho người khuyết tật, các cấp Hội Bảo trợ xã hội, sở, ngành của tỉnh cũng quan tâm tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dành cho người khuyết tật, với các môn điền kinh, bóng bàn, cầu lông, đẩy tạ, cử tạ, ném lao..., tạo thêm cơ hội cho người khuyết tật được giao lưu, xóa bỏ tự ti, mặc cảm để hòa nhập cộng đồng và vươn lên trong cuộc sống.

Ông Lò Văn Thưởng, bản Tông, xã Chiềng Xôm, thành phố Sơn La, bị tai nạn lao động dẫn đến khuyết tật một cánh tay. Ông Thưởng cũng như các hội viên khác thường xuyên được các cấp Hội quan tâm tạo điều kiện tham gia các hoạt động thể dục, thể thao, rèn luyện nâng cao thể chất và tinh thần.

Ông Thưởng chia sẻ, hàng năm, Hội, Chi hội, các đoàn thể của thành phố Sơn La luôn quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ hội viên Hội Người khuyết tật được hưởng đầy đủ các chế độ của Nhà nước. Trung tâm Thể dục thể thao thành phố có nhiều sân chơi, tập luyện thể thao, nâng cao sức khỏe cho người khuyết tật. Hai năm một lần, Hội đều triệu tập hội viên để thi đấu Giải Thể thao giành cho người khuyết tật. Bản thân ông Thưởng có sức khỏe ổn định, luôn vui vẻ, yêu đời, tự tin hòa nhập với cộng đồng.

Với sự chung tay của các cấp, các ngành, tổ chức chính trị-xã hội, nhân dân trong và ngoài tỉnh Sơn La đã góp phần động viên, hỗ trợ, tiếp thêm nghị lực để những người khuyết tật của tỉnh hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống./.

Quang Quyết

Tin liên quan

Xem thêm