Năm 2022, toàn tỉnh có trên 445.300 người dân tham gia cài đặt, sử dụng các nền tảng về chuyển đổi số, gần 60 mô hình sáng kiến, giải pháp được triển khai hiệu quả ở ấp, khu vực.
TTXVN - Hội nghị trực tuyến Tổng kết kế hoạch phát động phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” năm 2022 và phát động phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang nộp dịch vụ công trực tuyến” năm 2023 diễn ra sáng 21/8.
Tại Hội nghị, ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận, biểu dương kết quả phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” năm 2022. Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đề nghị các cấp, ngành và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người dân, doanh nghiệp tiếp tục quan tâm tham gia vào công cuộc chuyển đổi số của tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố, vận dụng sáng tạo mô hình, bài học kinh nghiệm, bảo đảm phù hợp tình hình thực tế chuyển đổi số và điều kiện đặc thù địa phương. Các Tổ Công nghệ số cộng đồng là cầu nối hiệu quả giúp chính quyền gần gũi người dân, do vậy cần thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ để đội ngũ này phát huy tốt vai trò, nhiệm vụ được giao.
Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất chính sách hỗ trợ Tổ Công nghệ số cộng đồng. Các sở, ban, ngành kiểm tra, rà soát việc triển khai và thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công thiết yếu tại đơn vị, kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc để có biện pháp xử lý hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo rà soát cán bộ công chức, viên chức đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2; phát huy tốt vai trò nêu gương của người đứng đầu, cán bộ, công chức, viên chức để người dân tin tưởng cùng thực hiện.
Theo ông Nguyễn Hồng Hài, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hậu Giang, phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” năm 2022 được phát động từ tháng 8/2022 đến hết tháng 12/2022 trên phạm vi toàn tỉnh; có 75 Ban chỉ đạo chuyển đổi số cấp xã, 525 Tổ Công nghệ số cộng đồng ấp, khu vực, với 3.928 thành viên. Tổ Công nghệ số cộng đồng với lực lượng nòng cốt là đoàn viên, thanh niên, trưởng ấp, khu vực thực hiện phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người” hiểu, thực hiện nội dung kỹ năng số cơ bản như: Sử dụng dịch vụ công trực tuyến, mua sắm trực tuyến, thanh toán trực tuyến, kỹ năng sử dụng các nền tảng, sử dụng app Hậu Giang.
Kết quả thực hiện phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” năm 2022, toàn tỉnh có trên 445.300 người dân tham gia cài đặt và sử dụng các nền tảng về chuyển đổi số, gần 60 mô hình sáng kiến, giải pháp được triển khai hiệu quả ở ấp, khu vực.
Gần 70.000 người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiểu mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của thực hiện chuyển đổi số thông qua công tác tuyên truyền. Ngoài ra, toàn tỉnh có gần 173.000 người cài và sử dụng nền tảng ứng dụng về chuyển đổi số; 77.972 người dân cài đặt, sử dụng ví điện tử; 123.763 người thực hiện dịch vụ công trực tuyến; 1.755 người dân, hộ sản xuất nông nghiệp được hướng dẫn tham gia các sàn thương mại điện tử. Qua phong trào thi đua xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả như: Mô hình quét mã QR tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; Thanh toán không dùng tiền mặt đóng học phí và các khoản thu tại Trường học ở thành phố Vị Thanh; Đồng hành cùng hội viên phụ nữ Khmer phát triển kinh tế gắn với chuyển đổi số…
Tại Hội nghị, UBND tỉnh phát động phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang nộp dịch vụ công trực tuyến” năm 2023. Qua đó nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số toàn dân; hình thành thói quen cho người dân trong thực hiện thủ tục hành chính bằng hình thức trực tuyến, hướng dẫn, đào tạo kỹ năng số, tạo khí thế thi đua sôi nổi, thúc đẩy mỗi doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân tham gia hoạt động trên môi trường số.
Theo đó, các ngành, địa phương tập trung 3 nội dung trọng tâm gồm: Tuyên truyền, phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước về sự cần thiết, lợi ích của chuyển đổi số đối với người dân, hộ gia đình, doanh nghiệp; tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số, chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đội ngũ cán bộ phụ trách công nghệ thông tin, thành viên Tổ Công nghệ số cộng đồng và người dân, doanh nghiệp trên địa bàn các xã, thị trấn; hướng dẫn người dân sử dụng nền tảng, ứng dụng số của tỉnh Hậu Giang và Trung ương. Thời gian thực hiện từ nay đến ngày 31/12/2023.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang tặng Bằng khen cho 3 tập thể đạt Nhất, Nhì, Ba trong phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” năm 2022. Ngoài ra, có 41 tập thể và 67 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang tham gia chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số” năm 2022 được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh./.