Nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh, văn thơ, nhóm thơ ca, đờn ca tài tử... trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã được hình thành, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng tham gia hoạt động nghệ thuật; ...
Ngày 5/4, Tỉnh ủy Bạc Liêu tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới.
Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đánh giá những kết quả tỉnh đạt được qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của người dân.
Nhìn nhận việc triển khai Nghị quyết số 23-NQ/TW còn những hạn chế, từ đó đề nghị các cấp ủy, tổ chức Đảng đề ra biện pháp khắc phục cụ thể, hiệu quả, ông Lữ Văn Hùng cho rằng, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết của Bộ Chính trị, Chương trình số 41 của Tỉnh ủy, Kế hoạch số 73 của Ban Tuyên giáo Trung ương; kết quả, bài học kinh nghiệm rút ra sau 15 năm thực hiện Nghị quyết này. Trong đó, nhấn mạnh phải làm tốt hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tạo sự thống nhất nhận thức trong toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị, nhất là cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý văn học nghệ thuật toàn tỉnh về tính đặc thù, vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn học, nghệ thuật trong giai đoạn hiện nay.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn học nghệ thuật; xây dựng cơ chế đãi ngộ, tôn vinh đối với hoạt động văn học nghệ thuật, đảm bảo phù hợp quy định hiện hành...
Ông Lữ Văn Hùng giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành Văn hóa phải chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch trình cấp có thẩm quyền tập trung nguồn lực giải quyết những vấn đề cấp thiết như: Phát triển loại hình nghệ thuật truyền thống, hoạt động đào tạo nguồn nhân lực kế thừa, kế hoạch đưa Đờn ca tài tử vào giảng dạy ngoại khóa trong các trường phổ thông... Cùng với đó, ngành cần tăng cường kiểm tra, giám sát, định hướng về hoạt động; kiên quyết ngăn chặn, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực văn học nghệ thuật.
Đối với đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu đề nghị, cần tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, kiên định lập trường trước tác động, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; bảo vệ, phát huy giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại; lên án, phê phán mạnh mẽ tiêu cực, thói hư, tật xấu làm cản trở sự phát triển, ảnh hưởng đến nhân cách con người, nhất là đối với thế hệ trẻ. Đội ngũ văn nghệ sĩ phấn đấu ngày càng có nhiều tác phẩm, công trình nghiên cứu văn học nghệ thuật đạt chất lượng, có giá trị cao.
Hội nghị đánh giá, hoạt động Văn học nghệ thuật của tỉnh thời gian qua có bước phát triển mới, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Văn học nghệ thuật góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau; khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc...
Thực hiện công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật, nhiều câu lạc bộ nhiếp ảnh, văn thơ, nhóm thơ ca, đờn ca tải tử... trên địa bàn tỉnh được hình thành, góp phần cổ vũ, động viên quần chúng tham gia lao động nghệ thuật, vừa khai thác, truyền bá các giá trị văn hóa, văn nghệ với nhiều hình thức phong phú, đa dạng phục vụ tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân. Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện công tác sưu tầm, bảo tồn, phát huy di sản văn học nghệ thuật, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Bạc Liêu đã thực hiện kiểm kê hoàn thành 7 loại hình di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn như: Lý con sáo Bạc Liêu, Nói thơ Bạc Liêu, các bản vọng cổ tiêu biểu, Hò chèo ghe Bạc Liêu, chữ Khmer trên lá, điệu múa Romvong, bản Dạ cổ hoài lang. Đặc biệt, Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2014...
Tuy vậy, công tác xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật của tỉnh 15 năm qua còn những khó khăn, hạn chế. Cụ thể là: Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý văn học nghệ thuật năng lực còn hạn chế, nhất là nghiệp vụ, kinh nghiệm thực tiễn. Việc tập hợp, phát triển lực lượng văn nghệ sĩ còn chậm; công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa thường xuyên. Hoạt động văn hóa nghệ thuật có bước phát triển mới nhưng chưa đều; tác giả, tác phẩm tiêu biểu, tác phẩm chất lượng cao chưa nhiều, thiếu tác phẩm văn hóa, văn học nghệ thuật lớn. Công tác xã hội hóa trong lĩnh vực văn học nghệ thuật hiệu quả chưa cao; ngân sách cho hoạt động văn học nghệ thuật ít...
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến phát biểu, tham luận làm rõ những kết quả nổi bật tỉnh Bạc Liêu đạt được sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW; đồng thời chỉ ra khó khăn, hạn chế, từ đó đề xuất giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa Nghị quyết này trong thời gian tới.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho 13 tập thể, 5 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới./.