Từ năm 2019 đến 3/2023, vùng Đồng bằng sông Hồng đã thực hiện 1.970 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, thành phố. Các nhiệm vụ tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
TTXVN - Ngày 12/5, Bộ Khoa học và Công Nghệ phối hợp với UBND tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị Khoa học và Công nghệ vùng Đồng bằng sông Hồng và triển khai Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 30-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, hoạt động khoa học và công nghệ đã có tác động tích cực tới phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của vùng Đồng bằng sông Hồng, thể hiện rõ vai trò trong sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Các địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, đặc thù để đề ra chương trình phát triển phù hợp với đặc thù vùng miền.
Ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Nam Định đã ban hành nhiều chính sách quan trọng nhằm thực hiện hiệu quả quy hoạch phát triển khoa học và công nghệ tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo được quan tâm, đầu tư; công tác phát triển thị trường công nghệ từng bước được chú trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Từ năm 2019 đến 3/2023, vùng Đồng bằng sông Hồng đã thực hiện 1.970 nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp tỉnh, thành phố. Các nhiệm vụ tập trung vào việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, phát triển các sản phẩm trọng điểm, chủ lực của địa phương theo chuỗi giá trị, đem lại hiệu quả kinh tế trực tiếp cũng như thúc đẩy phát triển hàng hóa, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Công tác triển khai xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ một số sản phẩm nông sản đặc thù của địa phương dưới dạng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể đã góp phần quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Tiêu biểu như các gống cây trồng: Bưởi Diễn, Cam Canh, Trà Hoa vàng, gà Đông Tảo, lợn Táp Ná...
Trong giai đoạn 2019-2023, hoạt động thẩm định công nghệ trong vùng Đồng bằng sông Hồng tiếp tục được quan tâm, đổi mới. Theo số liệu thống kê, các địa phương trong vùng đã thẩm định và tham gia ý kiến về công nghệ đối với trên 1.400 dự án đầu tư; các cơ quan chuyên môn của UBND tỉnh chủ trì thẩm định hoặc có ý kiến về công nghệ 675 dự án đầu tư. Trên 3.000 nhãn hiệu đã được xác lập quyền sở hữu công nghiệp; 6 chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm đặc sản; 172 kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, với lợi thế và vị trí chiến lược của vùng - một trung tâm khoa học và công nghệ của cả nước, có nhiều viện, trường, nhiều nhà khoa học đầu ngành, nhưng các kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của vùng vẫn chưa xứng với tiềm năng. Tiềm lực khoa học công nghệ của các tổ chức khoa học công nghệ các tỉnh, thành phố còn yếu; kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được ứng dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh; thiếu những sản phẩm, công nghệ thực sự có ý nghĩa, chưa tạo ra những sản phẩm chủ lực quan trọng của Vùng…
Từ đó, các đại biểu thống nhất đề xuất Chính phủ cần bố trí tăng mức đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ; chỉ đạo việc xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn vốn xã hội và nguồn vốn nước ngoài nhằm gia tăng đầu tư cho khoa học công nghệ; ban hành cơ chế chính sách sử dụng cán bộ khoa học và trọng dụng nhân tài, trong đó, đặc biệt quan tâm tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo của các chuyên gia giỏi, các cán bộ trẻ tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị, trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng băng sông Hồng cần có chế độ đãi ngộ, thu hút nhân tài làm việc trong vùng; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ./.