Xã hội

Phú Yên: Chú trọng kiểm tra, bảo vệ rừng giáp ranh

Phú Yên

Các hoạt động lén lút khai thác, vận chuyện lâm sản của lâm tặc và một số hộ dân sống gần rừng ngày càng tinh vi, khiến công tác bảo vệ vùng rừng giáp ranh hết sức khó khăn.

Việc tuần tra kiểm soát và bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Phú Yên có hơn 250.000ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 50%. Phần lớn diện tích này tiếp giáp với các tỉnh Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, với tổng chiều dài hơn 350km. Để bảo vệ phần diện tích này, cơ quan chức năng Phú Yên thường xuyên phối hợp với các tỉnh kiểm tra, bảo vệ và xử lý những trường hợp vi phạm pháp luật.

*Khu vực dễ bị “lâm tặc” xâm phạm

Phối hợp kiểm tra rừng giáp ranh giữa 2 huyện Sông Hinh - Ma Đrắk (Đắk Lắk), cơ quan chức năng nhận thấy khu vực rừng ở phía Phú Yên phần lớn là rừng tự nhiên, còn ở địa phận tỉnh Đắk Lắk có nhiều diện tích rừng tự nhiên bị thay thế bằng rừng sản xuất. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ núi Vọng Phu (Đắk Lắk), diện tích rừng trồng của huyện Ma Đrắk tiếp giáp với Phú Yên dài khoảng 5km. Đáng chú ý là khu vực rừng trồng có địa hình khá bằng phẳng, đi lại dễ dàng, người dân canh tác nơi đây dễ vào rừng tự nhiên bên phía Phú Yên để khai thác trái phép. Vì vậy, các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý để bảo vệ rừng giáp ranh 2 tỉnh.

Diện tích rừng tự nhiên ở huyện Đồng Xuân giáp ranh với huyện Vân Canh (Bình Định) có địa giới hành chính liền kề dài khoảng 30km. Cả hai huyện đều có diện tích rừng rộng, trữ lượng gỗ lớn, giá trị kinh tế cao và nhiều động, thực vật rừng quý hiếm. Đây được xem là “mảnh đất màu mỡ” của lâm tặc. Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân, những đối tượng vi phạm chủ yếu là người từ địa phương khác xâm nhập, móc nối với một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số để khai thác, vận chuyển cất giấu các loại gỗ quý hiếm. Thực trạng này đòi hỏi lực lượng bảo vệ rừng của 2 địa phương có rừng giáp ranh phải tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi xâm hại đến rừng.

Ông Nguyễn Hồng Phúc, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đồng Xuân cho biết: “Hạt kiểm lâm 2 huyện Đồng Xuân và Vân Canh thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, vận động người dân tham gia bảo vệ rừng. Bên cạnh đó, kiểm lâm địa bàn các xã thường xuyên tham mưu chính quyền địa phương xây dựng phương án kiểm tra ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép trên các khu vực rừng giáp ranh. Nhờ đó, các vụ vi phạm lâm luật đã giảm đáng kể”.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên phối hợp với địa phương kiểm tra hiện trạng rừng trên thiết bị di động thông minh. (Ảnh: TTXVN phát).

*Khó khăn trong công tác bảo vệ rừng

Phú Yên có rừng tự nhiên tiếp giáp các tỉnh Bình Định, Gia Lai, Đắk Lắk và Khánh Hòa với tổng chiều dài hơn 350km. Trong đó, vùng rừng giáp ranh giữa Phú Yên với Bình Định dài hơn 71km, với Khánh Hòa là 87km, với 2 tỉnh Gia Lai và Đắk Lắk là 125km. Với vị trí đặc thù phức tạp như vậy, công tác kiểm tra, bảo vệ rừng luôn được quan tâm hàng đầu. Tuy nhiên, nếu lực lượng kiểm lâm và quản lý bảo vệ rừng Phú Yên muốn kiểm tra vùng rừng giáp ranh phải đi qua địa phận của tỉnh Đắk Lắk. Và để đến được khu vực rừng cần kiểm tra, lực lượng chức năng phải vượt qua chặng đường dài với nhiều khó khăn, cách trở.

Vùng rừng giáp ranh của huyện Sông Hinh giáp với huyện Ma Đrắk có địa hình hiểm trở, bị chia cắt bởi hệ thống sông suối dày đặc, có độ dốc lớn; chưa có đường giao thông, kể cả đường lâm nghiệp. Hầu hết diện tích rừng này nằm xa khu dân cư, trữ lượng rừng từ trung bình đến giàu còn rất cao, tập trung nhiều loài cây gỗ có giá trị kinh tế như: chò, huỷnh, trâm, gõ… Trong khi đó, vùng rừng của Đắk Lắk có địa hình tương đối bằng phẳng, không phức tạp, hệ thống giao thông phát triển, dân cư tập trung sản xuất với quy mô lớn, gây sức ép không nhỏ cho những người giữ rừng bên địa phận Phú Yên.

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Ma Đrắk, do các đơn vị quản lý bảo vệ vùng rừng giáp ranh ở xa khu vực này, nên gặp không ít khó khăn trong việc ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng. Bên cạnh đó, một bộ phận dân di cư sinh sống gần rừng, nếu họ lén lút khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép sẽ rất khó phát hiện, xử lý, bởi nhiều trường hợp vi phạm rất tinh vi, manh động và sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng.

Ông Lê Văn Bé, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Tình trạng khai thác gỗ rừng trái phép ở vùng rừng giáp ranh Phú Yên vẫn còn xảy ra. Các hoạt động lén lút khai thác, vận chuyện lâm sản của lâm tặc và một số hộ dân sống gần rừng ngày càng tinh vi, khiến công tác bảo vệ vùng rừng giáp ranh hết sức khó khăn. Ngăn chặn các trường hợp vi phạm lâm luật chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với lực lượng kiểm lâm và lực lượng quản lý, bảo vệ rừng. Chúng tôi cho rằng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động người dân sống gần rừng cùng tham gia bảo vệ và phát triển rừng; đồng thời các ngành chức năng ở vùng rừng giáp ranh thường xuyên phối hợp, tuần tra, kiểm tra rừng nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng”./.

Xuân Triệu

Xem thêm