Quảng Ninh tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, công nghệ ,tài liệu giáo dục; đào tạo, bồi dưỡng phát triển, thu hút, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
TTXVN - Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 lọt vào nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về trình độ, chất lượng phát triển giáo dục, đào tạo.
Để đạt được mục tiêu trên, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh, từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ 5 yếu tố cơ bản để đổi mới giáo dục, đào tạo là: nội dung, chương trình giáo dục; phương pháp, công nghệ giáo dục; tài liệu, tư liệu, học liệu giáo dục; cơ sở vật chất, công cụ, thiết bị giáo dục tối thiểu để thực hiện thành công Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đào tạo, bồi dưỡng phát triển, thu hút, sử dụng, đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
Tỉnh kiên trì thực hiện các quan điểm phát triển giáo dục đào tạo là phương diện quan trọng trong mục tiêu nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Đầu tư, phát triển giáo dục và đào tạo phải được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; là nền tảng cho sự phát triển bền vững, lâu dài.
Địa phương tiếp tục ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo đối với các vùng còn nhiều khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung đông công nhân, lao động, khu công nghiệp và các đối tượng chính sách; đẩy mạnh tự chủ giáo dục theo lộ trình, tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nâng cao năng lực quản lý, trình độ chuyên môn cũng như thu nhập cho giáo viên; chú trọng xã hội hóa phát triển giáo dục - đào tạo, tăng cường thu hút các nguồn lực đầu tư, phát triển hệ thống trường Trung học Cơ sở trọng điểm cấp huyện.
Các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp xã, huyện và hệ thống chính trị cần xác định rõ hơn trong việc nâng cao chất lượng công tác quản lý, quản trị nhà trường; siết chặt quản lý chất lượng giáo dục - đào tạo; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục là khâu then chốt có tính quyết định để thực hiện mục tiêu đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Các địa phương phát huy đúng mức vai trò chủ đạo của Nhà nước kết hợp với cơ chế thị trường, cơ chế tự chủ của các cơ sở và vai trò của xã hội, bảo đảm cho giáo dục - đào tạo phát triển theo định hướng của Trung ương, ngày càng có hiệu quả và chất lượng cao hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký yêu cầu, hàng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức phải có chương trình, kế hoạch cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Định kỳ vào đầu năm học mới, kết thúc học kỳ I và năm học, Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện và cấp xã làm việc với ngành Giáo dục để tháo gỡ kịp thời những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong công tác quản lý, dạy và học.
Các địa phương cần linh hoạt tổ chức các hội nghị phân tích chuyên sâu chất lượng giáo dục phổ thông; rà soát kỹ, kịp thời giải quyết các kiến nghị, đề xuất thuộc thẩm quyền; chuẩn bị tốt mọi điều kiện cho Lễ khai giảng năm học 2023 - 2024 và Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường.
Năm học 2023 - 2024, tỉnh sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng các trường Trung học Phổ thông: Bình Liêu, Cẩm Phả, Quảng La. Một số công trình khác tiếp tục được xây dựng như: Trường Trung học Phổ thông Trần Phú (Móng Cái), Trung học Phổ thông Ngô Quyền (Hạ Long), Trung học Phổ thông Uông Bí (Uông Bí); Trung học Cơ sở Hải Hà (Hải Hà), Tiểu học Đông Ngũ I (Tiên Yên), Tiểu học Đồng Tiến (Cô Tô)… Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025, mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất một trường công lập; mỗi thành phố, thị xã có một trường Trung học Phổ thông công lập theo tiêu chí chất lượng cao.
Theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Quảng Ninh Trình Đình Hải, những năm qua, kết quả các Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông của tỉnh xếp ở vị trí từ 32 - 36 trong số 63 tỉnh, thành phố (tùy từng năm)./.
- Từ khóa:
- Quảng Ninh
- top 15
- địa phương
- chất lượng
- giáo dục
- đào tạo