Chương trình sân khấu hóa gồm 3 chương với các chủ đề: “Khát vọng xuân”, “Những thời khắc không quên”, “Vang mãi hùng ca mùa xuân”.
(TTXVN) Tối 6/1, Chương trình sân khấu hóa với chủ đề “Tự hào bản hùng ca Xuân Mậu Thân 1968” đã diễn ra tại Khu Tưởng niệm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 (xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh). Đây là chương trình do Ban tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, nhân kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Chương trình sân khấu hóa gồm 3 chương với các chủ đề: “Khát vọng xuân”, “Những thời khắc không quên”, “Vang mãi hùng ca mùa xuân”. Những tiết mục “Đêm hội Quang Trung”, “Tiếng trống hào hùng”, “Tổ quốc ơi tôi đã nghe”, “Bản hùng ca 68 – Dáng đứng Việt Nam”… một lần nữa khẳng định rằng, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một biểu tượng sáng ngời về ý chí và sức mạnh quật cường của quân và dân Việt Nam, là tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo, tài mưu lược trong chỉ đạo đấu tranh cách mạng của Đảng ta, từ mùa Xuân 1968 đến thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 và những mùa Xuân thanh bình, hạnh phúc sau này. Hành trình đầy máu lửa hào hùng đó đã được khắc họa rõ nét bằng âm nhạc, thông qua các tiết mục biểu diễn được chọn lọc kỹ lưỡng tại chương trình.
Bên cạnh đó, những kinh nghiệm từ Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã trở thành những bài học lịch sử sâu sắc, ý nghĩa như một cuộc tổng diễn tập để những năm sau đó, quân và dân cả nước được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, kiên cường anh dũng chiến đấu giành thắng lợi trong trận Điện Biên Phủ trên không trong 12 ngày đêm bão lửa của năm 1972 tại chiến trường miền Bắc (Hà Nội – Hải Phòng). Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 và các chiến dịch năm 1971 - 1972 của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam đã làm cho chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ đứng trước nguy cơ bị phá sản hoàn toàn, tiến tới giành thắng lợi hoàn toàn thống nhất đất nước năm 1975.
Chương trình có sự tham gia của nhạc sỹ Trần Xuân Tiến, Nghệ sỹ nhân dân Tạ Minh Tâm, Nghệ sỹ ưu tú Quỳnh Hương, Trọng Phúc, Ngọc Đợi, Phạm Thế Vĩ, Thanh Sử, nhóm ca Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh, nhóm Lạc Việt, nhóm Nhật Nguyệt, nhóm 135, nhóm múa Mặt Trời - Ánh Sáng, Nhóm múa ABC – Alpha...
Chương trình cũng gây dấu ấn với nhiều chia sẻ sâu lắng, xúc động qua phần giao lưu cùng các cựu chiến binh, nhân chứng lịch sử như bà Đặng Thị Thiệp, nghe bà trải lòng về câu chuyện hoạt động cách mạng của chồng là ông Trần Văn Lai (biệt hiệu Năm Lai, Mai Hồng Quế, Năm U.Som).
Năm 1965, bà Thiệp từ Đà Lạt theo ông Lai về Sài Gòn. Theo yêu cầu của tổ chức, ông phải tìm căn nhà thuận tiện cho việc đào hầm chứa vũ khí chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Dưới vỏ bọc nhà thầu khoán giàu có, đảm nhiệm việc làm nội thất cho Dinh Độc Lập, ông Lai chở bà đi xem và mua rất nhiều nhà. Căn nhà số 287/68-70-72 Nguyễn Đình Chiểu (nay là đường Trần Quý Cáp, Quận 3) là nơi được lựa chọn. Lần đầu nghe ông nói chuyện với chủ nhà, lấy lý do "mua nhà cho vợ bé" rồi chỉ vào mình, bà Thiệp giật mình nhưng không dám phản đối vì hiểu, ông cần bà đóng giả để hợp thức hoá chuyện mua nhà cũng như hỗ trợ hoạt động cách mạng. Hai người sống cùng nhau sẽ ít bị soi mói, ông dễ dàng đào hầm và vận chuyển vũ khí về cất giấu.
Mua nhà và đào hầm xong, hai người thay phiên nhau canh gác để bảo vệ căn cứ. Hơn hai năm, đêm đến ông bà hầu như không ngủ vì sợ bị theo dõi. Cùng hoạt động, đồng cam cộng khổ, tình cảm của bà Thiệp với người chiến sĩ biệt động dần nảy nở. Và tới tháng 5/1966, tổ chức chấp thuận cho ông Lai và bà Thiệp kết hôn và hoạt động đơn tuyến ở Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh).
Là người trực tiếp tham gia trận chiến tấn công vào Dinh Độc Lập Tết Mậu Thân 1968, ông Phan Văn Hôn chia sẻ, trận đánh mà ông tham gia ngày ấy, đến nay đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Là người lính trước khi vào trận, lại là trận đánh đặc biệt lớn như thế là một niềm vinh dự, tự hào không phải ai trong đời cũng có được.
"Chúng tôi không ai bảo ai, 15 cánh tay cùng đồng loạt giơ cao. Tôi liếc nhìn khắp lượt, 15 cánh tay thẳng, không một ánh mắt chần chừ, không cánh tay nào không dứt khoát. Tôi chắc mọi người cũng như tôi, đều hiểu được sự quan trọng của trận đánh này sẽ ác liệt, hy sinh là không tránh khỏi, ra đi là không hẹn trở về”, ông Phan Văn Hôn nói./.