Việc lấy ý kiến nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của người dân sinh sống trong khu vực.
(TTXVN)- Chiều 6/10, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức trưng bày, niêm yết lấy ý kiến cộng đồng về hồ sơ Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050, tại số 15 Lê Lợi (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).
Tại buổi lễ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế Hoàng Việt Trung cho biết, Dự án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch tại Quyết định số 42/QĐ-TTg, ngày 11/1/2022 với thời gian hoàn thành quy hoạch trong quý I/2024. Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế là đơn vị được giao tổ chức lập quy hoạch.
Việc lấy ý kiến nhằm mục đích phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết, thể hiện ý chí, nguyện vọng của người dân sinh sống trong khu vực di tích cũng như các cá nhân quan tâm, đóng góp cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy giá trị di sản Quần thể Di tích Cố đô Huế. Hoạt động này nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và khả thi của đồ án quy hoạch.
Các ý kiến góp ý sẽ được Trung tâm tổng hợp, công bố công khai và tiếp thu, giải trình, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét trước khi thẩm định, quyết định hoặc phê duyệt.
Thời gian tổ chức lấy ý kiến bắt đầu từ ngày 6 - 31/10/2023. Nội dung lấy ý kiến tập trung vào 12 nội dung chính như: Bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng; tầm nhìn, quan điểm và mục tiêu quy hoạch; quy hoạch phân vùng bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; định hướng bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững; dự báo tác động và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường…
Các ý kiến của người dân được tiếp nhận thông qua các hình thức như: Điền phiếu ý kiến tại nơi trưng bày, niêm yết hồ sơ Quy hoạch; thông qua Cổng thông tin điện tử và qua địa chỉ Email của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế; các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin.
Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 với mục tiêu bảo tồn di sản văn hóa cảnh quan Cố đô Huế toàn vẹn và bền vững với tư cách là một trung tâm văn hóa, di sản Quốc gia, khu vực và quốc tế.
Đồng thời, Quy hoạch nhằm phục hồi và làm sống lại các không gian di sản, chuyển hóa khu vực Quần thể Di tích thành hạt nhân, động lực chủ yếu trong chiến lược phát triển đô thị di sản Huế, giáo dục giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sinh lực mới, đưa di sản trở về với cộng đồng, gắn kết với cộng đồng và mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Đồ án quy hoạch đã được nghiên cứu thiết lập hồ sơ theo đúng trình tự quy định hiện hành, đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.