Chỉ đạo, Điều hành

Triển khai mô hình “Lũy tre biên thùy” ở biên giới Lai Châu

Lai Châu

“Lũy tre biên thùy” là mô hình trồng tre Bát Độ dọc theo đường biên giới dài gần 3 km, thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông.

Người dân vận chuyển tre Bát Độ đến điểm trồng. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Ngày 25/2, tại xã biên giới Huổi Luông, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Phong Thổ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lai Châu, Đồn Biên phòng Huổi Luông và UBND xã Huổi Luông (huyện Phong Thổ) triển khai mô hình “Lũy tre biên thùy”.

Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu; 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân. Hoạt động cũng nhằm phát huy vai trò của hội viên phụ nữ tham gia phát triển kinh tế, chung sức bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia.

Trồng tre Bát Độ thực hiện mô hình "Lũy tre biên thùy". (Ảnh: TTXVN phát)

“Lũy tre biên thùy” là mô hình trồng tre Bát Độ trên biên giới. Phạm vi trồng tre dọc theo đường biên giới, từ mốc giới số 57 - 1.200m đến mốc giới số 60, dài gần 3 km, thuộc bản Hồ Thầu, xã Huổi Luông.

Khu vực này đang là đồi cây tạp. Việc trồng tre cách đường biên giới khoảng 20m về phía Việt Nam, ngoài phạm vi đường thông tầm nhìn biên giới phù hợp Hiệp định về Quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Người dân hăng hái tham gia thực hiện mô hình "Lũy tre biên thùy". (Ảnh: TTXVN phát)

Số lượng tre trồng dự kiến khoảng 3.300 - 3.600 cây. Tổng kinh phí triển khai mô hình là 90 triệu đồng. Số tiền này do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Phong Thổ và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lai Châu đóng góp 30 triệu đồng; Đồn Biên phòng Huổi Luông và xã Huổi Luông đóng góp 30 triệu đồng. Sau khi trồng, tre sẽ được bàn giao cho các hộ dân của bản Hồ Thầu chăm sóc, quản lý để làm mô hình sinh kế.

Việc triển khai mô hình có ý nghĩa lớn bởi cây tre là cây trồng quen thuộc. Thông qua việc trồng tre sẽ phủ xanh đất trống, đồi trọc, chống xói mòn, bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, bảo vệ môi trường sinh thái, chống biến đổi khí hậu. Đồng thời, trồng tre giúp người dân dễ nhận biết đường biên giới, tạo thuận lợi cho công tác quản lý biên giới, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép. Mặt khác, trồng tre còn giúp bà con có sinh tế, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Qua đó, đẩy mạnh việc thực hiện Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” theo Chỉ thị số 01/CT-TTg, ngày 9/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

Đại tá Trần Nguyên Kỷ - Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương xã Huổi Luông và Đồn Biên phòng Huổi Luông phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lai Châu và huyện Phong Thổ hướng dẫn nhân dân cách thức trồng, chăm sóc cho cây phát triển tốt, đảm bảo mỹ quan; tuyên truyền, vận động nhân dân quá trình trồng tre thực hiện nghiêm quy định; vận động nhân dân tham gia tự quản đường biên, mốc giới, cột mốc quốc gia, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngay sau Lễ triển khai mô hình, đông đảo cán bộ, nhân dân đã di chuyển ra đường biên giới từ mốc giới số 57 - 1.200m đến mốc giới số 60 để trồng tre.

Trao tiền hỗ trợ triển khai mô hình "Lũy tre biên thùy" tại xã Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu. (Ảnh: TTXVN phát)

Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu tặng quà cho bản Hồ Thầu. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lai Châu tặng 15 suất quà (mỗi suất trị giá 500.000 đồng) cho hội viên phụ nữ khó khăn trên địa bàn xã Huổi Luông. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Lai Châu tặng 20 suất quà cho 20 học sinh vượt khó học giỏi trên địa bàn xã Huổi Luông (mỗi suất trị giá 300.000 đồng)./.

Đinh Thùy

Tin liên quan

Xem thêm