Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, nhiều tỉnh đã dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là môi trường “gieo hạt giống” và nuôi dưỡng, thúc đẩy “hạt giống” khởi nghiệp phát triển
(TTXVN) Để triển khai mạnh phong trào khởi nghiệp, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các tỉnh trong khu vực đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm tạo lập môi trường thuận lợi thúc đẩy, hỗ trợ và cổ vũ đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu trên chính quê hương.
“Tiếp sức” để thanh niên khởi nghiệp
Trải qua nhiều khó khăn, đến nay, anh Phan Văn Chao (ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đã hiện thực hóa dự án khởi nghiệp từ khô cá đồng và thành lập Cơ sở sản xuất khô cá đồng thiên nhiên Phan Chao. Anh đã tận dụng “tài nguyên” sẵn có ở địa phương là các loại cá trong tự nhiên như: cá lóc, cá chạch, cá trèn, cá kết… để làm khô cá đồng. Sản phẩm đã được tiêu thụ mạnh trong và ngoài tỉnh.
Theo anh Phan Văn Chao, tổ chức Đoàn đã hỗ trợ anh vay vốn mở rộng sản xuất kinh doanh, làm mã vạch truy xuất nguồn gốc, bảo hộ thương hiệu, nhãn hiệu, xây dựng website, quảng bá sản phẩm, tạo điều kiện cho anh tiếp cận nguồn kinh phí khuyến công để đầu tư máy sấy năng lượng mặt trời với tổng kinh phí hơn 500 triệu đồng.
Bí thư Tỉnh đoàn Đồng Tháp Huỳnh Minh Thức cho biết, thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động triển khai phong trào khởi nghiệp; cổ vũ, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, từng bước đáp ứng nhu cầu chính đáng của thanh niên. Các hoạt động đồng hành với thanh niên được cụ thể hóa vào chương trình thi đua của cơ sở Đoàn các cấp. Nhiều diễn đàn khởi nghiệp, các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp thông qua việc hỗ trợ vốn vay, kết nối đầu tư, liên kết tiêu thụ sản phẩm… được các cấp bộ Đoàn tích cực tổ chức thực hiện.
Từ năm 2017-2022, Tỉnh đoàn Đồng Tháp đã phối hợp cùng Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh… tổ chức hơn 250 buổi tập huấn, tọa đàm, sinh hoạt các câu lạc bộ khởi nghiệp, các chương trình tuyển chọn nhằm thúc đẩy dự án khởi nghiệp phát triển, kết nối hơn 10.200 lượt đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, doanh nhân trẻ, doanh nhân tiêu biểu tham gia. Bên cạnh đó, Tỉnh đoàn còn duy trì hoạt động hiệu quả Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp; đã hỗ trợ cho vay 13 dự án với số tiền 1,7 tỷ đồng.
Tại Vĩnh Long, phong trào khởi nghiệp cũng đang được lan tỏa mạnh trong đoàn viên, thanh niên. Để cổ vũ làn sóng khởi nghiệp của tuổi trẻ, tỉnh đã ban Chương trình hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn 2021-2025; thành lập, duy trì Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp thanh niên; tổ chức cuộc thi ý tưởng và dự án khởi nghiệp hàng năm.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Khắc Nhu cho biết, từ 2017 đến nay, tỉnh tổ chức 5 cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Qua đó, phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, từ năm 2020 đến nay, số lượng ý tưởng, dự án trong đoàn viên, thanh niên nông thôn đã tăng dần và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của từng địa phương.
Xác định “Đồng hành với thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp” là một trong những chương trình trọng tâm, từ năm 2017 đến nay, các cấp bộ Đoàn Vĩnh Long duy trì hơn 240 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hơn 7.800 hộ vay, dư nợ trên 237 tỷ đồng, qua đó đã vận động hỗ trợ được trên 420 ý tưởng khởi nghiệp của thanh niên; giúp 76 hộ thanh niên nghèo, cận nghèo được hỗ trợ vươn lên thoát nghèo phát triển kinh tế.
Tại huyện Long Hồ, với sự “tiếp sức” kịp thời của tổ chức Đoàn, nhiều thanh niên mạnh dạn khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa, thế mạnh của địa phương như nuôi lươn không bùn, nuôi chuột lang và thỏ thịt, sản xuất trà bồ công anh, trồng nấm rơm trong nhà… Bí thư Huyện đoàn Long Hồ Nguyễn Thị Mỹ Hạnh cho biết, đoàn viên, thanh niên địa phương có đam mê và khát vọng khởi nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số khó khăn về vốn, kỹ thuật, nhất là thị trường tiêu thụ. Vì vậy, Huyện đoàn sẽ tiếp tục tham mưu UBND huyện, đồng thời tăng cường phối hợp với các ngành có liên quan quan tâm hơn về nguồn vốn vay cho thanh niên; thường xuyên tổ chức chương trình tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn và hỗ trợ cây, con giống; quan tâm kết nối giúp đoàn viên tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Tỉnh Bến Tre cũng tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ, đồng hành, tạo môi trường thuận lợi “tiếp lửa” cho đoàn viên, thanh niên trên con đường khởi nghiệp, lập nghiệp. Điển hình như ở huyện Mỏ Cày Bắc, để hỗ trợ các bạn trẻ phát triển kinh tế, Huyện đoàn duy trì tổ chức các hội thi tìm kiếm ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên; đa dạng các hình thức kết nối ý tưởng, dự án khởi nghiệp với các nhà đầu tư tiềm năng; duy trì hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ “Khởi nghiệp tiên phong” cấp huyện với 15 thành viên nòng cốt. Nhờ đó, từ 2018 đến nay, huyện Mỏ Cày Bắc đã có 194 ý tưởng, dự án khởi nghiệp. Phó Bí thư Huyện đoàn Mỏ Cày Bắc Phan Thành Phước cho hay, các cuộc thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp được tổ chức ở cấp huyện, thành phố và cấp tỉnh hàng năm chính là môi trường để ươm mầm cho phong trào khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, từ đó phát hiện các nhân tố mới, tiêu biểu trong khởi nghiệp để ươm tạo, hỗ trợ phát triển.
Theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bến Tre, trước đây, “khởi nghiệp” vẫn còn là khái niệm xa lạ hoặc đầy thách thức đối với những người muốn tiếp cận. Tuy nhiên hiện nay, các hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đã được triển khai đến tận ấp, khu phố. Nhận thức của nhân dân về khởi nghiệp thoát nghèo được nâng lên rõ rệt. Người khởi nghiệp đã mạnh dạn, tự tin hơn trong việc dám nghĩ giàu - dám làm giàu và bắt đầu xuất hiện mô hình, dự án khởi nghiệp có tính sáng tạo - ứng dụng công nghệ cao.
Từng bước hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp
Với sự đồng hành của chính quyền địa phương, nhiều tỉnh đã dần hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp. Đây là môi trường “gieo hạt giống” và nuôi dưỡng, thúc đẩy “hạt giống” khởi nghiệp phát triển. Tỉnh Đồng Tháp đã thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả các câu lạc bộ khởi nghiệp, câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế và các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên. Đến nay, địa phương có 14 câu lạc bộ khởi nghiệp cấp huyện; 2 câu lạc bộ sáng tạo khởi nghiệp cấp tỉnh; 162 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế; 18 câu lạc bộ khởi nghiệp trong trường Trung học Phổ thông; thành lập mới và duy trì 216 tổ hợp tác, 2 hợp tác xã thanh niên, 1 trang trại thanh niên, thu hút trên 1.440 người tham gia lao động.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa chia sẻ, xác định thúc đẩy phong trào khởi nghiệp là một trong những động lực để Đồng Tháp phát triển kinh tế, tỉnh luôn dành sự quan tâm, khuyến khích và tạo điều kiện cho các ý tưởng khởi nghiệp, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phát triển. Tỉnh đã ban hành nghị quyết về việc phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp với những cơ chế, chính sách rõ ràng. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tỉnh đoàn phối hợp với các cơ quan liên quan tạo điều kiện cho những ý tưởng, dự án khởi nghiệp phát triển. Địa phương sẽ hình thành Trung tâm khởi nghiệp, “vườn ươm” khởi nghiệp để kịp thời hỗ trợ, phát triển các dự án, ý tưởng khởi nghiệp của đoàn viên, thanh niên.
Giai đoạn 2021-2025, Bến Tre đặt mục tiêu tiếp tục xây dựng tỉnh thành “Địa phương khởi nghiệp”, đẩy mạnh khởi nghiệp ứng dụng khoa học-công nghệ, áp dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số; chuyển trọng tâm từ khởi nghiệp thoát nghèo, khởi nghiệp làm giàu sang khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; khởi nghiệp bằng “trí tuệ” kết hợp sức mạnh “công nghệ” dựa trên “tài nguyên bản địa”. Đồng thời, Bến Tre tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để bứt phá nhanh, bền vững; từng bước hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp với đầy đủ các thành tố cần thiết.
Để thực hiện mục tiêu trên, chị Lâm Như Quỳnh, Bí thư Tỉnh đoàn Bến Tre thông tin, Tỉnh đoàn sẽ duy trì và nâng cao chất lượng tổ chức hội thi ý tưởng, dự án khởi nghiệp theo đối tượng, lĩnh vực; tổ chức các Diễn đàn “Thanh niên khởi nghiệp”, “Hành trình khởi nghiệp”, Ngày hội “Thanh niên Bến Tre khởi nghiệp” với đa dạng các hình thức kết nối ý tưởng, dự án với các nhà đầu tư tiềm năng. Đồng thời, Tỉnh đoàn sẽ kết nối với các trường Đại học trong và ngoài tỉnh bồi dưỡng khoa học kỹ thuật, hỗ trợ các ý tưởng đổi mới sáng tạo đi vào thực tiễn; phối hợp hỗ trợ hiện thực hóa, thương mại hóa ý tưởng, dự án khởi nghiệp sáng tạo; duy trì hiệu quả hoạt động của Câu lạc bộ “Khởi nghiệp tiên phong” cấp tỉnh, huyện và thành phố…
Theo Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long Trần Công Khánh, Tỉnh đoàn đã và đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường phối hợp giữa các ngành chức năng để hỗ trợ nhiều hơn cho các dự án khởi nghiệp. Thời gian tới, Tỉnh đoàn tích cực, chủ động nghiên cứu, đề xuất với các ngành, các cấp để xây dựng, hoàn thiện chính sách hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả giám sát của Đoàn thanh niên trong thực hiện các chính sách, pháp luật về lao động, việc làm, khởi nghiệp đối với thanh niên.
Đoàn Thanh niên ở các địa phương tiếp tục đồng hành xây dựng, tạo môi trường cho đoàn viên, thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp thông qua các hình thức thông tin, truyền thông, kết nối, tư vấn, hướng dẫn. Cùng với đó, tập trung triển khai hiệu quả kết nối các mô hình, sản phẩm của thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp tới doanh nghiệp và xã hội; thành lập và duy trì Quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để làm kinh tế, phát triển những mô hình hiệu quả.
Trên bước đường khởi nghiệp của nhiều đoàn viên, thanh niên luôn có sự đồng hành, giúp đỡ của UBND các cấp, các sở, ngành cũng như tổ chức Đoàn. Điều đó đã tạo động lực, tiếp thêm sức mạnh để nhiều bạn trẻ hiện thực hóa giấc mơ kinh doanh; trong đó có con đường khởi nghiệp bằng cách tạo nên những giá trị mới trên nền tảng sản phẩm truyền thống ở địa phương, làm giàu từ chính những nguyên vật liệu, thế mạnh của quê hương./.
- Từ khóa:
- miền Tây
- khởi nghiệp
- Đoàn Thanh niên
- đồng hành
- tiếp sức