Xây dựng Bát Tràng trở thành điểm tiêu biểu về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Nhân dân và cán bộ xã Bát Tràng phấn đấu tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, là điểm đến an toàn, điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô và cả nước.
TTXVN - Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc xã Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) tổ chức ngày 15/8. Đây là một trong ba đơn vị làm điểm cấp thành phố về thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.
Theo Chủ tịch UBND xã Bát Tràng Phạm Huy Khôi, cấp ủy, chính quyền xã luôn xác định xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc là trách nhiệm của mỗi cá nhân, tập thể và của toàn dân. Xã Bát Tràng đã lắp được trên 100 camera an ninh, chuyển hình ảnh về Trụ sở Công an xã để theo dõi nắm tình hình và xử lý khi có tình huống xảy ra; thành lập 5 tổ liên gia phòng cháy chữa cháy, 45 điểm chữa cháy công cộng, vận động các hộ gia đình tự trang bị bình chữa cháy lưu động. Trong 7 tháng đầu năm 2023, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã đảm bảo ổn định.
Thời gian tới, nhân dân và cán bộ xã Bát Tràng phấn đấu tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng xã trở thành điểm tiêu biểu về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, là điểm đến an toàn, là điểm du lịch tiêu biểu của Thủ đô và cả nước.
Dự và phát biểu tại Ngày hội, Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc Trung ương ghi nhận và đánh giá cao thành phố Hà Nội trong việc đổi mới phương pháp, cách làm rất chu đáo, bài bản, kỹ càng khi tổ chức Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc năm 2023 với 3 điểm cấp thành phố, 4 điểm cấp sở, ban, ngành và 58 điểm cấp quận, huyện, thị xã, qua đó tạo sức lan tỏa và nâng cao các phong trào cách mạng của nhân dân Thủ đô.
Trung tướng Lê Quốc Hùng đề nghị thành phố Hà Nội tiếp tục làm tốt công tác vận động quần chúng tham gia phong trào, là tiền đề, nền tảng, điều kiện cơ bản để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trên lĩnh vực bảo vệ an ninh trật tự, là cơ sở để xây dựng, củng cố thế trận an ninh nhân dân và thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc. Lực lượng Công an tổ chức xây dựng các mô hình theo hướng “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”, phù hợp đặc điểm, tính chất của từng địa bàn, lĩnh vực; kết hợp chặt chẽ với các phong trào cách mạng khác ở địa phương để thu hút, tập hợp đông đảo quần chúng tham gia. Lực lượng Công an cơ sở phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, phối hợp giải quyết kịp thời những bức xúc trong nhân dân, trong các vấn đề liên quan đến an ninh trật tự ngay từ cơ sở, không để nảy sinh những phức tạp...
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đề nghị, địa phương tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về ý nghĩa của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và Ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Việc tổ chức Ngày hội nên gắn với việc thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước và được tổ chức lồng ghép với các hoạt động như: đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy; giao lưu thể thao, văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền pháp luật…
Dịp này, nhiều tập thể, cá nhân đã được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội; Giấy khen của Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm… vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc./.