Hà Nội thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả công tác phúc lợi xã hội, chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Giáp Thìn.
TTXVN - Năm 2024, để bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống người dân, thành phố Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, triển khai tốt Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước.
* Hoàn thành các chỉ tiêu
Năm 2023, ngoài những chính sách của Trung ương ban hành, Hà Nội xây dựng nhiều chính sách đặc thù chăm lo an sinh và nâng cao phúc lợi xã hội. Thành phố đã ban hành 9 cơ chế, chính sách đặc thù dành cho các đối tượng gồm: trẻ em, người học nghề, người cai nghiện ma túy, người nghèo. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ về lao động, người có công, an sinh xã hội của Hà Nội đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra. Thành phố đã tạo việc làm mới cho trên 214 nghìn người, đạt 132,2% kế hoạch; tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị còn 2,97%; tuyển sinh và đào tạo nghề cho 246.100 lượt người, đạt 107% kế hoạch; lao động qua đào tạo đạt 73,23%. Đặc biệt, số hộ thoát nghèo trên địa bàn đạt 227% kế hoạch, hộ nghèo giảm còn 0,03%; trong đó có 18/30 quận, huyện, thị xã không còn hộ nghèo.
Để đạt được kết quả trên, công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Hà Nội được tập trung xuyên suốt, thống nhất và nhất quán từ thành phố tới cơ sở; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội, luôn coi trọng người dân và chăm lo cho người dân trong mọi hoàn cảnh.
Thành phố chú trọng làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện đầy đủ và kịp thời các cơ chế chính sách an sinh; qua đó người dân thêm tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Hà Nội đã vào cuộc đồng bộ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống chính trị tại cơ sở trong việc bảo đảm an sinh xã hội, an toàn trật tự xã hội.
Các cơ quan chức năng của thành phố tăng cường thanh tra, thường xuyên kiểm tra, rút kinh nghiệm trong việc thực hiện từng chương trình, kế hoạch cụ thể; đi đôi với đôn đốc và hướng dẫn tổ chức thực hiện; công tác khen thưởng, kỷ luật kịp thời, nghiêm minh; mạnh mẽ phân cấp ủy quyền, cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số hiệu quả.
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Bạch Liên Hương cho biết, năm 2024, Hà Nội đặt mục tiêu giảm 380 hộ nghèo (tương đương 55,07%); giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 3%; nâng tỷ lệ lao động (đang làm việc) qua đào tạo lên 74,2 % (trong đó lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 54%)...
Hà Nội sẽ phát huy các bài học kinh nghiệm, tiếp tục thực hiện giảm nghèo bền vững, thực hiện trợ giúp xã hội thường xuyên và đột xuất, kịp thời, hiệu quả, tạo môi trường sống an toàn, thân thiện, lành mạnh để thực hiện ngày càng tốt hơn các quyền của trẻ em. Thành phố tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các tệ nạn xã hội, thực hiện các khâu đột phá trong giáo dục nghề nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
* Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố, Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội, các ngành có liên quan, chủ động hướng dẫn người sử dụng lao động trong các doanh nghiệp thực hiện đúng các chế độ chính sách đối với người lao động. Hầu hết các doanh nghiệp thực hiện đúng các quy định của pháp luật, các nội quy, quy chế của doanh nghiệp, nhất là về tiền lương, tiền thưởng, các chế độ phúc lợi đối với người lao động dịp Tết. Các ngành chức năng đã triển khai tuyên truyền, tập huấn về pháp luật lao động và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các doanh nghiệp; tham gia phối hợp và hỗ trợ chuyên môn đối với các doanh nghiệp có nguy cơ xảy ra tranh chấp để ngăn ngừa ngừng việc tập thể phát sinh trên địa bàn.
Hà Nội chú trọng thực hiện đầy đủ, kịp thời, hiệu quả công tác phúc lợi xã hội, chế độ chính sách đối với người có công, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn; tăng cường đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Thành phố dự kiến tặng 1.078.096 suất quà Tết tới các đối tượng và các tổ chức, cá nhân tiêu biểu với tổng số tiền hơn 552 tỷ đồng; hỗ trợ 7.000 phiếu, mỗi phiếu mua hàng giá trị 500.000 đồng tặng đoàn viên, người lao động khó khăn trong Chương trình "Chợ Tết Công đoàn năm 2024", với tổng số tiền 3,5 tỷ đồng. Hà Nội hỗ trợ vé xe đưa công nhân lao động khu công nghiệp về quê đón Tết và đón quay trở lại làm việc sau Tết (tổng kinh phí 1,9 tỷ đồng); thăm, tặng quà cho đoàn viên, người lao động dịp Tết (kinh phí 21 tỷ đồng); hỗ trợ 35 "Mái ấm Công đoàn" cho 35 gia đình đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn…
Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, địa bàn có gần 20.000 đoàn viên Công đoàn; trong đó, lao động ngoại tỉnh chiếm 55%, hơn 2.000 công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn. UBND quận đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động quận trao hơn 2.000 suất quà, mỗi suất trị giá từ 500.000 đến 1 triệu đồng, phát phiếu mua hàng, hỗ trợ vé xe để người lao động về quê đón Tết, tổ chức "Tết sum vầy"... Dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2024, UBND quận Hoàng Mai sẽ trao hơn 5.400 suất quà, với tổng kinh phí 13,5 tỷ đồng chăm lo các đối tượng người có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội.
Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì đã lập danh sách đề nghị Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 300 suất quà (mỗi suất 1 triệu đồng tiền mặt), tặng 140 phiếu mua hàng miễn phí trị giá 500.000 đồng/phiếu; đề xuất thăm hỏi, tặng quà cho 50 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn. Liên đoàn Lao động huyện dự kiến tặng 1.230 suất quà, mỗi suất 500.000 đồng tiền mặt; tặng 100 phiếu mua hàng miễn phí (trị giá 300.000 đồng/phiếu) cho người lao động khó khăn; hỗ trợ vé xe cho hàng nghìn lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết… Dự kiến tổng trị giá quà tặng, hỗ trợ Tết của huyện là trên 1,2 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, 820 đoàn viên, người lao động tại huyện Thạch Thất sẽ được hỗ trợ và tặng quà dịp Tết Giáp Thìn năm 2024. Cụ thể, 225 suất quà (mức 1.000.000 đồng/suất) từ Liên đoàn Lao động thành phố và 595 suất quà (mức 500.000 đồng/suất) từ Liên đoàn Lao động huyện sẽ được gửi tới 900 đoàn viên trên. 150 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trong số trên sẽ được hỗ trợ thêm vé tàu xe về quê đón Tết, mỗi suất từ 200.000 - 500.000 đồng. Liên đoàn Lao động huyện Thạch Thất sẽ tổ chức Chương trình "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" gồm nhiều nội dung hấp dẫn như: tặng 700 phiếu "Quà tặng 0 đồng" tại gian hàng 0 đồng, trị giá 415.000 đồng/phiếu; tổ chức "Chợ Tết Công đoàn" năm 2024 phục vụ các sản phẩm thiết yếu, tặng 1.000 phiếu voucher mua hàng, mỗi phiếu trị giá 50.000 đồng; tổ chức Hội thi "Gói Bánh chưng", bốc thăm trúng thưởng cho 200 đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn tham dự với các phần thưởng thiết thực.
Ngành Giao thông Vận tải Hà Nội, Công đoàn ngành yêu cầu các đơn vị cơ sở thực hiện tốt các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết 2024; vận động các doanh nghiệp ủng hộ xe ô tô miễn phí để đưa công nhân lao động khu công nghiệp về quê đón Tết; tổ chức "Tết Sum vầy - Xuân chia sẻ" để mọi đoàn viên đều có Tết. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, Công đoàn ngành sẽ hỗ trợ 15 chuyến xe đưa đón công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, quê ở các tỉnh xa như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh… về quê đón Tết; bố trí 5 xe đưa công nhân trở lại Hà Nội làm việc sau Tết.../.