Tại hội nghị ngày 31/10, các đại biểu tham dự đã thảo luận về sự cần thiết phải ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và các nội dung cụ thể trong Nghị định.
TTXVN - Ngày 31/10, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị phản biện xã hội dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực và Giáo sư Đỗ Quang Hưng, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Tôn giáo, đồng chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực tôn giáo, thành viên Hội đồng Tư vấn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại diện các tổ chức tôn giáo và lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam một số tỉnh, thành phố phía Bắc.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo gồm 4 Chương, 51 Điều. Nghị định này quy định các hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền lập biên bản, thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo.
Nghị định được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên có quy định khác.
Trong đó, Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung vi phạm hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo bị áp dụng mức phạt tiền như đối với cá nhân vi phạm hành chính. Người đại diện cho Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đại diện cho nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung chịu trách nhiệm thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung.
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã thảo luận về sự cần thiết phải ban hành Nghị định quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo và các nội dung cụ thể trong Nghị định; tính thực tiễn và khả năng thực hiện, tính thống nhất và đồng bộ với hệ thống pháp luật trong việc ban hành Nghị định này; vấn đề trách nhiệm của các cơ quan hành chính Nhà nước…
Giáo sư, Tiến sỹ Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, tín ngưỡng, tôn giáo là lĩnh vực có nhiều đặc thù so với các lĩnh vực khác, nên vi phạm hành chính trong lĩnh vực này cũng có những điểm khác biệt, đòi hỏi xử lý vi phạm cũng phải có những thủ tục xử phạt và cưỡng chế thi hành quyết định khác với các lĩnh vực khác. Theo ông Trần Ngọc Đường, dự thảo Nghị định còn thiếu các quy định về vi phạm hành chính về tín ngưỡng, tôn giáo, trong khi đó Luật Xử lý vi phạm hành chính có cả một chương, do đó Nghị định cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Bá Trình, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đề xuất, dự thảo Nghị định cần có điều khoản thể chế hóa quan điểm "Nội dung cốt lõi của công tác tôn giáo là công tác vận động quần chúng" của cơ quan quản lý nhà nước và cá nhân được giao nhiệm vụ thực thi công vụ ở các cấp trong quá trình xử lý vi phạm hành chính trên lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo. Đồng thời, cần có điều khoản cụ thể quy định cơ quan quản lý nhà nước và người thực thi công vụ trên lĩnh vực công tác tín ngưỡng, tôn giáo phải bảo đảm tính bình đẳng, khách quan, công bằng khi xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức tôn giáo, tín ngưỡng và người tham gia các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực đánh giá, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định 162/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã góp phần làm cho tình hình sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo cơ bản ổn định, các chức sắc, tín đồ chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Hiến chương của các Giáo hội, tích cực thực hiện công tác từ thiện nhân đạo, tham gia tốt các phong trào thi đua yêu nước.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những hành vi vi phạm pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cần được xem xét, điều chỉnh và có biện pháp ứng xử phù hợp, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Ông Ngô Sách Thực đề nghị các ban chuyên môn Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp ý kiến tham luận của đại biểu tham dự Hội nghị để gửi tới cơ quan chủ trì soạn thảo; đồng thời đề nghị lãnh đạo Bộ Nội vụ chỉ đạo Ban soạn thảo tiếp thu và phản hồi với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo quy định./.