Hiện doanh nghiệp ngày nay còn quan tâm đến nhiều khía cạnh cộng đồng xã hội; tập trung đầu tư, tạo điều kiện đào tạo, phát triển người lao động, nhất là người yếu thế như lao động nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số có cơ hội việc làm tốt hơn.
TTXVN - Ngày 1/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ (VBCWE) tổ chức Diễn đàn “ESG (Environmental, Social, Governance) – Cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật” nhân Ngày Quốc tế Người khuyết tật (3/12).
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Hà Thu Thanh, Chủ tịch Mạng lưới Doanh nghiệp Việt Nam hỗ trợ phát triển quyền năng phụ nữ nhấn mạnh, xu hướng phát triển bền vững đã và đang được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Ngoài vấn đề chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường, doanh nghiệp ngày nay còn quan tâm đến nhiều khía cạnh cộng đồng xã hội; tập trung đầu tư, tạo điều kiện đào tạo, phát triển người lao động, nhất là người yếu thế như lao động nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số có cơ hội việc làm tốt hơn.
Đề cập tới ý nghĩa việc đầu tư vào yếu tố xã hội, cơ hội việc làm cho người khuyết tật gắn với bối cảnh và xu thế phát triển bền vững, bà Hà Thu Thanh cho rằng, người khuyết tật cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động tiềm năng của xã hội thay vì là đối tượng ưu tiên. Điều này có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều cần quan tâm thực sự đến tạo việc làm cho người khuyết tật, đặc biệt là người khuyết tật là phụ nữ, để họ có cơ hội việc làm bình đẳng như nhau.
“Mỗi nhóm doanh nghiệp đóng vai trò như một mắt xích trong tiến trình đào tạo chuyên môn, kỹ năng sống, tuyển dụng lao động và tài trợ chi phí để mang đến cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Việc mang đến cơ hội việc làm và thu nhập tốt cho người khuyết tật, hỗ trợ họ tham gia hệ sinh thái việc làm là hành động vượt lên trên trách nhiệm xã hội, trở thành giá trị mà doanh nghiệp mong muốn đóng góp. Chúng tôi tình nguyện đồng hành để kiến tạo hệ sinh thái việc làm cho người khuyết tật”, bà Hà Thu Thanh cam kết.
Chia sẻ về cơ hội và thách thức việc làm cho người khuyết tật, ông Ciaran Chestnutt, Phó Tổng Lãnh sự Australia tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Liên hợp quốc chọn ngày 3/12 là Ngày Quốc tế Người khuyết tật. Điều này không chỉ thúc đẩy sự hiểu biết về các vấn đề khuyết tật, huy động sự hỗ trợ vì phúc lợi, tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập vào nơi làm việc, cộng đồng xã hội mà còn để đảm bảo mọi người không bị phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật – hoặc bất kỳ lý do nào khác.
Là người khuyết tật, bà Đào Thu Hương, cán bộ Chương trình Hòa nhập người khuyết tật (Liên hợp quốc) có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin cho biết, hiện tại thị trường lao động đã mở rộng hơn, nhất là khi Chính phủ có những chính sách tăng trưởng xanh hỗ trợ điều kiện và việc làm cho người khuyết tật; các tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (ESG) của các doanh nghiệp ngày nay cũng mở ra nhiều cơ hội cho người khuyết tật.
Dẫn chứng từ thực tiễn, bà Hương cho rằng không nhất thiết phải tạo ra việc làm riêng cho người khuyết tật mà chỉ cần đặt họ vào đúng vị trí, tạo cho họ điều kiện để có thể đóng góp thì họ sẽ tỏa sáng. Điều này còn thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, là lợi thế chiến lược, từ đó giúp doanh nghiệp tạo ra những giá trị bền vững.
Cũng tại Diễn đàn, nhiều người khuyết tật chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong việc tìm kiếm việc làm; mong muốn có chương trình đồng hành của doanh nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm, hỗ trợ vốn để làm ăn; đồng thời tin tưởng người khuyết tật có thể tự tạo thu nhập cho mình, khi có thể tự lập thì họ sẽ tự tin để hòa nhập xã hội. Nhiều người khuyết tật cho rằng, điều doanh nghiệp cần làm là không chỉ tạo cơ hội cho người khuyết tật tiếp cận với chương trình đào tạo, giáo dục và tuyển dụng bình đẳng với người không khuyết tật, mà còn cân nhắc tới những nhu cầu đặc biệt của họ trong môi trường làm việc như lối đi, khu vệ sinh để người khuyết tật có cơ hội phát triển trong công việc.
Theo thống kê của Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam hiện có hơn 7 triệu người khuyết tật. Trong đó, chỉ có 31,7% người khuyết tật trung bình và 7,8% người khuyết tật nặng - là những người mất một phần hoặc suy giảm chức năng nhưng vẫn có khả năng làm việc - có việc làm.../.