Xã hội

Nghệ nhân đúc đồng tâm huyết với văn hóa Việt

Hải Dương

Tâm huyết gìn giữ, lan tỏa văn hóa Việt qua các dòng sản phẩm là mạch ngầm xuyên suốt gần 20 năm gắn bó với nghề đúc đồng của nghệ nhân xứ Đông Nguyễn Thượng Sách (Tứ Kỳ, Hải Dương).

Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách (Tứ Kỳ, Hải Dương) bên tác phẩm được đúc bằng đồng. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Người làm nghề đúc đồng thì không hiếm nhưng nghệ nhân đúc đồng có bằng kỹ sư Đại học Bách Khoa như ông Nguyễn Thượng Sách (xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) là trường hợp hiếm gặp. Tâm huyết gìn giữ, lan tỏa văn hóa Việt qua các dòng sản phẩm là mạch ngầm xuyên suốt gần 20 năm gắn bó với nghề đúc đồng của nghệ nhân xứ Đông này.

*Duyên đưa đẩy

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa, chuyên ngành kỹ thuật đúc nhưng sau khi ra trường, kỹ sư Nguyễn Thượng Sách đi bộ đội. Năm 1986, giải ngũ, ông về làm nhiều nghề trong đó có nghề chế tác vàng bạc đá quý. Trong giới làm nghề vàng bạc đá quý ở Hà Nội những năm 2000, nhiều người khi gặp những đơn hàng đòi hỏi độ tinh xảo vẫn tìm đến ông. Mối duyên đưa ông Sách quay lại với nghề đúc lại rất ngẫu nhiên. Ngẫm lại, ông cho rằng một trong những sự kiện có ý nghĩa bước ngoặt là được quen biết với Nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách và vô cùng cảm phục trước cái tâm của người anh lớn luôn tha thiết gìn giữ văn hóa Việt.

Ông bồi hồi nhớ lại mùa thu gần 20 năm trước. Khi đó, Hà Nội đang hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. “Hôm đó là Chủ nhật. Trong lúc dạo quanh hồ Gươm chờ các con mua sách, đi qua đền Bà Kiệu, tôi bắt gặp chiếc đồng hồ đếm ngược hướng tới sự kiện 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Khoảnh khắc đó, tôi bỗng thấy buồn vì nhận ra ở Thủ đô ngàn năm văn hiến mà những món quà tặng đặc trưng văn hóa Việt gần như bị lép vế trước đủ loại quà tặng ngoại nhập”.

Bẵng đi ít lâu, ông tình cờ đọc được bài phỏng vấn một Việt kiều có đoạn nói mỗi lần về nước, thật khó khăn khi muốn chọn quà tặng mang đậm dấu ấn văn hóa Việt Nam. Tâm tư của Việt kiều nọ làm ông liên tưởng tới những lần ghé các cửa hàng đồ lưu niệm trên phố, về điều mình từng nghĩ khi đứng trước chiếc đồng hồ đếm ngược bên bờ hồ Hoàn Kiếm hôm nào.

Những sự việc tưởng ngẫu nhiên nhưng như một mạch ngầm thôi thúc ông phải làm điều gì đó. Một lần, khi ghé thăm cửa hàng đúc đồng ở làng nghề Ngũ Xã, qua câu chuyện với những nghệ nhân làng nghề, trăn trở trước kia trong ông được khơi lại. Có thêm sự khích lệ của những người thợ đúc đồng, năm 2007, ông Sách quyết định trở lại với chuyên ngành từng được đào tạo.

Nhớ về sản phẩm đầu tay, nghệ nhân 62 tuổi vẫn rất xúc động. Giai đoạn đầu, ông đã làm việc gần như quên thời gian. Ông nghiên cứu công nghệ đúc trong nước và của nước ngoài rồi đánh giá ưu nhược điểm của từng loại. Dựa trên những thành tựu công nghệ đúc hiện có, ông chọn lọc và sáng tạo ra giải pháp công nghệ mới mang đậm dấu ấn cá nhân, phù hợp với điều kiện Việt Nam. Ông xác định sẽ làm ra những sản phẩm tiêu biểu là biểu tượng văn hóa Việt không thể trộn lẫn.

Tìm hiểu kỹ lưỡng, ông chọn đúc trống đồng. Ông mất gần 1 năm để từ thử nghiệm đến khi sản phẩm ưng ý đầu tiên hoàn thành. “Tôi đã tìm hiểu về cổ vật trống đồng của cha ông và nghiên cứu nguyên liệu, kỹ thuật đúc. Tuy nhiên, tôi thấy việc làm ra chiếc trống đồng y hệt ngày xưa là khó khả thi”, ông kể. Một mặt, vì nguyên liệu, công nghệ ngày nay không có thứ tương tự. Mặt khác, ông nghĩ, nếu muốn lan tỏa được văn hóa Việt thông qua biểu tượng cụ thể nào đó, điều trước hết biểu tượng đó phải có tính thẩm mỹ phù hợp thời đại. Với suy nghĩ đó, ông Nguyễn Thượng Sách đã làm ra mẫu trống đồng vừa có sự kế thừa các yếu tố văn hóa của cha ông, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ của thời đại. Sản phẩm trống đồng được đặt tên là "Thuận Thiên", với nghĩa là tên quê nội: xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng.

Mẫu trống đồng khi “trình làng” đã gây không ít bất ngờ tại một triển lãm về thủ công mỹ nghệ. Nhiều người dù tận mắt chiêm ngưỡng vẫn khó tin rằng chiếc trống đồng ấy do người Việt Nam làm ra. Phải đến khi tới tận xưởng sản xuất, họ mới hoàn toàn bị thuyết phục. Đến nay, cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách tại xã Văn Tố, huyện Tứ Kỳ đã cho ra lò hàng vạn chiếc trống đồng với nhiều kích thước khác nhau.

Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách giới thiệu quy trình thực hiện sản phẩm. (Ảnh: TTXVN phát)

*Tình yêu văn hóa Việt

Bộ sản phẩm trống đồng đã đưa danh tiếng nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách lan xa. Nhiều người khâm phục tài năng của ông. Cũng không ít người bắt chước, sao chép mẫu mã. Khi hỏi ông về câu chuyện bản quyền thiết kế, ông khiến chúng tôi bất ngờ: “Tôi không lo bị ăn cắp ý tưởng, lo bị cạnh tranh trên thị trường. Ngay từ đầu đến với lĩnh vực này, tôi đã tâm niệm rằng sức mình có hạn, không thể đáp ứng nhu cầu của lượng lớn người dân vốn rất đa dạng. Tôi chấp nhận việc mẫu mã bị sao chép với suy nghĩ nhờ thế, nhiều người sẽ quan tâm và hiểu thêm về những câu chuyện gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc hơn”.

Năm 2013, bộ trống đồng Việt Nam của ông Nguyễn Thượng Sách được Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam vinh danh sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề. Bộ trống đồng gồm 12 mẫu sản phẩm. Gần 10 năm qua, sản phẩm liên tục được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.

Sự đón nhận của thị trường càng củng cố cho ông thêm niềm tin vào con đường đang đi. Từ xưởng đúc đồng ở xã Văn Tố, liên tiếp các sản phẩm mới được ra lò, chinh phục thêm nhiều khách hàng yêu chuộng văn hóa Việt: Chùa Một Cột, Khuê Văn Các và sau đó là dòng sản phẩm tượng danh nhân, anh hùng dân tộc; đồ tâm linh thuần Việt.

Năm 2016, ba bộ sản phẩm: Trống đồng, Đồ thờ và Khuê Văn Các được UBND tỉnh Hải Dương chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh. Những “đứa con tinh thần” được yêu chuộng như tiếp lửa cho người nghệ nhân tiếp tục sáng tạo các mẫu mã mới.

Sau nhiều năm làm nghề với nỗi đau đáu muốn tạo ra công nghệ tương lai cho ngành đúc, đến nay ông đã làm chủ được công nghệ đúc đồng mang dấu ấn riêng. Giới thiệu cặn kẽ quy trình tạo ra sản phẩm, ông Sách bật mí “chìa khóa” làm ra những sản phẩm tinh xảo chính là giải pháp công nghệ đúc chính xác bằng phương pháp mẫu chảy trên cơ sở hỗn hợp làm khuôn tự cứng trong môi trường chân không. Với công nghệ này, việc nấu kim loại được tiến hành trong hệ thống khép kín. Công nghệ đúc chân không vừa cho sản phẩm có độ chính xác cao, chất lượng sản phẩm đồng đều, ổn định vừa ưu điểm thân thiện môi trường.

Hầu như năm nào, Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách cũng có từ 1 đến 2 sản phẩm mới. Cuối nay, sản phẩm rồng thời Nguyễn sắp sửa được xuất xưởng. Chia sẻ về quá trình cho ra đời sản phẩm này, ông không giấu được niềm vui và tin tưởng đây sẽ là sản phẩm được yêu thích tiếp theo và rất thích hợp làm tặng phẩm mùa Tết năm 2024. Trong câu chuyện về nghề, Nghệ nhân Nguyễn Thượng Sách cho biết, ông đang xúc tiến quá trình bảo hộ cho giải pháp công nghệ đúc đồng của mình. Ông sẽ hiến tặng Bảo tàng tỉnh Hải Dương một số hiện vật với mong muốn được góp phần vào công tác gìn giữ, phát huy các giá trị Văn hóa Việt.

Không chỉ đam mê làm nghề, ông Sách còn mong tạo thêm nhiều việc làm giúp người dân nông thôn có nghề phụ, cuộc sống khấm khá hơn. Mở xưởng từ năm 2008, cơ sở đúc đồng Nguyễn Thượng Sách đặt tại thôn Đông Lâm, xã Văn Tố đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động ở huyện Tứ Kỳ với thu nhập bình quân 7-8 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2017, ông Nguyễn Thượng Sách được Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương tặng danh hiệu Nghệ nhân nghề tiểu thủ công nghiệp. Trước đó, năm 2014, ông được Trung ương Hiệp hội Làng nghề Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân làng nghề Việt Nam./.

Mạnh Minh

Xem thêm