Người Hà Nhì nơi đây đã khẳng định vai trò chủ thể là một dân tộc đoàn kết, kiên cường, luôn cảnh giác cao với mọi âm mưu của các thế lực thù địch, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
TTXVN - Nhắc đến Sín Thầu (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) là nhắc đến miền biên viễn cực Tây xa xôi, có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng của Tổ quốc. Tại vùng đất này, trải qua quá trình định cư, lập bản, người Hà Nhì nơi đây đã khẳng định vai trò chủ thể là một dân tộc đoàn kết, kiên cường, tích cực sáng tạo trong lao động, sản xuất, vượt qua đói nghèo để xây dựng bản làng ngày càng ấm no, giàu bản sắc văn hóa. Đặc biệt hơn, người Hà Nhì luôn cảnh giác cao với mọi âm mưu của các thế lực thù địch, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
* “4 không” ở Sín Thầu
Nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ gần 300km, Sín Thầu là vùng đất xa xôi, khó khăn bậc nhất của cả nước. Hơn 60 năm trước, người Hà Nhì đã xuôi dòng Nậm Na, rồi ngược lên vùng thượng nguồn sông Đà tìm đất khai hoang, định cư, lập bản. Năm 2004, tỉnh Lai Châu chia tách, một bộ phận dân tộc Hà Nhì thuộc về 2 xã Chung Chải và Sín Thầu (huyện Mường Nhé).
Năm 2004, thực hiện chính sách giãn dân ở các khu vực biên giới của Đảng và Nhà nước, xã Leng Su Sìn được thành lập trên cơ sở chia tách từ xã Chung Chải. Năm 2009, xã Sen Thượng cũng thành lập, tách ra từ xã Sín Thầu. Trước năm 2006, để ra được trung tâm huyện lỵ Mường Nhé, người dân ở Sín Thầu phải đi bộ, dùng ngựa thồ hàng mất cả ngày đường luồn rừng, lội suối, vượt bè mảng. Đến năm 2007, đường ô tô tuyến xã nối trung tâm huyện lỵ Mường Nhé đi Sín Thầu đến bản xa nhất A Pa Chải mới có.
Tuyến đường dài hơn 70km xuyên dưới đại ngàn của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé, vắt lưng chừng núi, trườn qua những bờ vực, hủm sâu, nối liền các xã Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu. Giao thông thuận lợi đã giúp người dân Hà Nhì ở Sín Thầu thoát khỏi thế biệt lập, có tiền đề để dần loại bỏ những khó khăn của vùng đất “4 không” (không điện, đường, trường, trạm).
Dưới căn nhà gỗ, ông Pờ Á Sinh (người uy tín của bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu) cho biết: Năm 2013, điện lưới quốc gia về bản. Ước mơ bao năm của người dân Hà Nhì trở thành hiện thực. Điện về sáng cả vùng biên và tạo nên một “kỳ tích” đối với người dân Sín Thầu. Từ đây, người Hà Nhì không phải thắp đèn dầu, sử dụng nguồn điện năng nhờ sức nước. Khi màn đêm buông xuống, ánh điện đã xua đi đêm tối. Dòng Mo Pí, Păm Pơi cũng được ánh điện tô điểm khi vặn mình chảy qua các bản làng. Từ các bản đầu tiên là Tả Kố Khừ, A Pa Chải…, người Hà Nhì tiếp tục mở rộng địa bàn cư trú theo dọc lưu vực suối Mo Pí, dòng Păm Pơi, hình thành nên những điểm quần cư cuối cùng nơi cực Tây Tổ quốc. Trong đó, bản Lỳ Mà Tá hình thành muộn nhất, năm 1993.
Sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn, người Hà Nhì đã vươn lên bằng việc mở rộng diện tích trồng cây có hạt, cây lương thực ở triền đồi; áp dụng phương thức canh tác ruộng nước; trồng các loại cây ăn quả, cây lấy củ; đào ao, thả cá, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô lớn... Đời sống ổn định, kinh tế khá hơn, người Hà Nhì ở Sín Thầu chú trọng công tác bảo tồn văn hóa truyền thống, xây dựng những thiết chế văn hóa, xây dựng các hương ước, quy ước tiến bộ, xóa bỏ các hủ tục.
Nhờ các chính sách, chương trình, dự án về phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống mà Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, đời sống người dân ở Sín Thầu ngày càng nâng lên. Hệ thống trường học các cấp được đầu tư sửa sang, dựng mới; các cơ sở y tế chăm sóc sức khỏe cho người dân được mở rộng; hệ thống đường giao thông, cầu treo nối liền các xã, bản được nâng cấp, tạo điều kiện cho nhân dân đi lại dễ dàng, giao thương hàng hóa phát triển.
Ông Pờ Chinh Phạ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu cho biết: Sín Thầu hôm nay đã khởi sắc, mang một diện mạo mới, toàn xã có 7 bản với hơn 350 hộ, hơn 1.4500 nhân khẩu, thuộc 11 dân tộc, trong đó người dân tộc Hà Nhì chiếm hơn 91%. Năm 2020, Sín Thầu là xã đầu tiên của huyện Mường Nhé về đích nông thôn mới với những kết quả rất tích cực, như: Kết cấu hạ tầng nông thôn, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư khang trang, sạch đẹp; tỷ lệ đường trục xã được nhựa hóa, bê tông đạt 100%, đường trục thôn bản bê tông hóa đạt 85%; tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn điện đạt 100%.
Xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, trong đó 85% số hộ có nhà đạt chuẩn; diện tích đất sản xuất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động đạt 90%; tỷ lệ nhà văn hóa các thôn, bản đạt 100%. Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt 93%, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 35 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 24,5%.
Cũng theo ông Pờ Chinh Phạ, nhiều năm qua, Sín Thầu trở thành điểm sáng về Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc khi phong trào này đã có những bước phát triển mới, được củng cố, duy trì và ngày càng phát triển với nhiều nội dung, hình thức phong phú, cách làm hay, hiệu quả, phù hợp. Hiện nay, Sín Thầu có 7 tổ tự quản về an ninh trật tự với 21 thành viên tham gia giữ gìn an ninh trật tự thôn bản, 45 cá nhân tham gia Tổ tự quản đường biên, cột mốc đăng ký bảo vệ quản lý đường biên, mốc quốc giới.
Những năm qua, thành viên các tổ tự quản đã đoàn kết, tích cực, phát huy tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ với lực lượng Bộ đội Biên phòng tham gia tuần tra, quản lý, bảo vệ đường biên, mốc quốc giới và giữ gìn an ninh trật tự thôn bản; đảm bảo chủ quyền an ninh biên giới. Đặc biệt, Sín Thầu là xã duy nhất trên địa bàn huyện Mường Nhé (tỉnh Điện Biên) đạt tiêu chí “bốn không”: không có người nghiện, không xảy ra phá rừng, không có tình hình di dịch cư và không có truyền đạo trái phép.
* Điểm tựa của đồng bào Hà Nhì
Với điểm cực Tây Tổ quốc A Pa Chải nằm trên đỉnh Khoan La San (cao hơn 1.800m so với mực nước biển), Sín Thầu là nơi mặt trời lặn sau cùng của đất nước. Sín Thầu có cột mốc số 0- mốc giao điểm ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc - nên nơi đây được ví là vùng đất “ngã ba biên”, nơi “một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe”. Từ những yếu tố địa lý đặc biệt này, Sín Thầu là vùng đất có vị trí then chốt, chiến lược trong an ninh, quốc phòng của Tổ quốc.
Đóng chân trên địa bàn Sín Thầu, Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ đường biên giới dài hơn 38km (giáp Lào, Trung Quốc).
Những năm qua, trong điều kiện địa bàn rộng, giao thông đi lại vào mùa mưa lũ còn gặp nhiều khó khăn; đời sống nhân dân khu vực biên giới tuy đã được cải thiện nhưng hộ nghèo và cận nghèo còn cao, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm trong việc đảm bảo an ninh trật tự xã hội khu vực, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng bản làng ấm no là nhiệm vụ hàng đầu, những năm qua, Đồn Biên phòng Sín Thầu đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp chặt chẽ với các ngành, các lực lượng liên quan, tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm soát bảo vệ biên giới.
Cán bộ, chiến sỹ biên phòng nơi đây đã kịp thời phát hiện và xử lý các vụ việc vi phạm các hiệp định, quy chế biên giới; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai, quán triệt đầy đủ nội dung, các nghị quyết, chỉ thị, văn bản pháp luật về xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Bên cạnh đó, đơn vị còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, làm tốt công tác vận động người dân thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Ông Pờ Dần Xinh, già làng, người có uy tín, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Sín Thầu cho biết: Sự phát triển vững mạnh của Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên địa bàn xã đã nhận được sự hưởng ứng tích cực, tham gia của mọi người dân. Những kết quả mang lại của phong trào đã làm thất bại các hoạt động “diễn biến hòa bình” với các chiêu bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tuyên truyền đạo trái pháp luật của thế lực thù địch; đồng thời bảo vệ tốt an ninh trật tự xã hội và nội bộ các cơ quan, đơn vị, làm giảm hoạt động của các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn; góp phần quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới, phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, Đồn Biên phòng A Pa Chải đã tham gia thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào, mô hình phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Sín Thầu, như: Nhận đỡ đầu các cháu học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình “Nâng bước em tới trường”; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các chương trình “Xuân Biên phòng ấm lòng dân bản”, “Ngày hội Biên phòng toàn dân”, mô hình “Kết nghĩa cụm dân cư hai bên biên giới”, chương trình “Bò giống giúp người nghèo biên giới”, “Mẹ đỡ đầu”, “Quân dân y kết hợp”, “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, “Hũ gạo chiến sĩ”, xây dựng nhà “Mái ấm biên cương”, triển khai làm nhà Đại đoàn kết cho người dân… Hiệu quả tích cực mang lại từ các chương trình, mô hình này đã giúp người dân vùng biên phát triển hơn về kinh tế, xã hội, gắn kết tình quân dân, xây dựng thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh.
Thiếu tá Đoàn Thanh Tuấn, Chính trị viên Đồn biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cho biết: Để có được kết quả như trên, bên cạnh sự nỗ lực cố gắng của cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị còn có sự đồng hành của cấp ủy, chính quyền và quần chúng nhân dân trên địa bàn. Trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 01 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào toàn dân tham gia quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng các kế hoạch để tổ chức triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế biên giới.
Đơn vị cũng đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của những già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ, các điển hình tiên tiến cùng bộ đội biên phòng vận động quần chúng nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định địa phương; tham gia củng cố cơ sở chính trị, giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống.
Với phương châm “ba bám, bốn cùng” và quán triệt tinh thần “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, những năm qua cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Pa Chải (Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) đã xây dựng được một thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới nơi ngã ba biên giới Sín Thầu./.