Nữ giáo sư và hành trình nửa thế kỷ đi tìm công lý cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin
Trên hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng quyết tâm chứng minh rằng, những người này phải hứng chịu nỗi đau từ chất độc da cam/dioxin là có thật và nỗi đau đó phải được công nhận, phải được bù đắp.
Vào ngày 16/11, Lễ vinh danh Giải thưởng Ramon Magsaysay (được xem là giải thưởng Nobel châu Á) năm 2024 sẽ diễn ra tại Philippines. Năm nay, Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng được vinh danh bởi những nỗ lực không mệt mỏi trên hành trình gần 50 năm đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin.
* "Điều bí ẩn khủng khiếp”
Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng sinh năm 1944, tại Thành phố Hồ Chí Minh, lựa chọn bước chân vào ngành y với chuyên môn sản phụ khoa khi trưởng thành. Bước ngoặt đầu tiên là năm 1966, khi bà đang là thực tập sinh nội trú. “Trong một lần đỡ đẻ tại Bệnh viện Từ Dũ, tôi hoảng loạn khi thấy một thai nhi không có sọ não và cơ thể toàn lông như một con khỉ”, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng kể. Từ đó về sau, bà gặp ngày càng nhiều các thai nhi với nhiều dị tật như vô sọ, khuyết mắt mũi, không tay chân… Nhớ lại những tháng ngày đó, bác sĩ Phượng trầm ngâm: “Có lẽ, phải chứng kiến cảnh những người mẹ sinh ra những đứa con không bình thưởng đó mới thấu hiểu hết được nỗi đau của họ. Có người không chấp nhận được sự thật tàn khốc, phát điên phát dại, có người trầm cảm, sốc tâm lý, còn có người bị chính gia đình, người thân hắt hủi, thật đáng thương vô cùng”.
Sau nhiều trường hợp bất thường, bác sĩ Phượng đã đề nghị Bệnh viện Từ Dũ cho phép lưu trữ các thai nhi dị tật để nghiên cứu. Trong quá trình tìm thông tin, bác sĩ Phượng tiếp cận được một tài liệu từ Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ và nhận ra những thai nhi dị thường này có liên quan đến chất độc hóa học do quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam. Sau khi tìm ra “điều bí ẩn khủng khiếp” ấy, từ năm 1976, bác sĩ Phượng bắt đầu bước vào hành trình tìm kiếm các bằng chứng khoa học xác định chất độc da cam/dioxin là nguyên nhân gây ra dị tật bẩm sinh và một số loại ung thư cho con người.
Để có bằng chứng, bác sĩ Ngọc Phượng cùng các cộng sự đã thực hiện nhiều cuộc điều tra, khảo sát tại nhiều khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi trước đây là mục tiêu quân đội Mỹ rải chất độc hóa học. Kết quả điều tra tại Bến Tre, Cà Mau vào năm 1982 cho thấy, ở những khu vực này, tỷ lệ sảy thai, thai chết lưu, trẻ sinh ra dị tật cao hơn hẳn so với những nơi khác.
Với dữ liệu thu thập được, năm 1983, bác sĩ đã trình bày 3 bài báo cáo về hậu quả lâu dài của các chất làm trụi lá và diệt cỏ tại một hội nghị quốc tế có sự tham gia của đại biểu từ 22 quốc gia tham dự. Năm 1987, tại một hội nghị về chất độc dioxin tại Hoa Kỳ, bác sĩ Phượng tiếp tục trình bày và cung cấp bằng chứng về hậu quả của chất độc dioxin với con người. Bài báo cáo sau đó được đăng tải trên một tạp chí khoa học của Anh vào năm 1989.
Trên hành trình đi tìm công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin, bà Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã khóc rất nhiều khi chứng kiến nỗi đau của đồng bào mình. Bà càng quyết tâm chứng minh rằng, những người này phải hứng chịu nỗi đau từ chất độc da cam/dioxin là có thật và nỗi đau đó phải được công nhận, phải được bù đắp.
* Không bỏ cuộc
Bắt đầu từ năm 2008, với tư cách là một nhà khoa học và Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đã nhiều lần tham gia các phiên điều trần về vấn đề chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam của Hạ viện Hoa Kỳ. Tại đây, bà đã kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ, các công ty hóa chất cần phải có trách nhiệm bồi thường, hỗ trợ cho hơn 3 triệu nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Sau những phiên điều trần trực tiếp, các bên liên quan phía Hoa Kỳ bắt đầu hợp tác để cải tạo môi trường, khắc phục hậu quả do chất độc da cam/dioxin gây ra tại Việt Nam.
Song song đó, bà nỗ lực mang những hình ảnh về các thai nhi dị tật, đứa trẻ tật nguyền đi đến nhiều nước trên thế giới để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế đối với cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.
Có lẽ, trên hành trình đi tìm kiếm các bằng chứng, kỷ niệm mà bác sĩ Ngọc Phượng không quên được đó là lần gặp gỡ cặp song sinh dính liền Việt – Đức. Chính bà đã đưa cặp song sinh đó về Bệnh viện Từ Dũ nuôi dưỡng và trực tiếp có mặt trong ca đại phẫu thuật tách rời vào năm 1988. Ngay sau đó, khi còn là Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, Làng Hòa Bình - Bệnh viện Từ Dũ đã được thành lập, trở thành ngôi nhà của hàng trăm đứa trẻ khuyết tật bị gia đình bỏ rơi. Từ Làng Hòa Bình, nhiều trẻ khuyết tật đã được học nghề, có người đã có gia đình riêng, tự lo được cho cuộc sống của bản thân. Bà cũng trở thành “má Phượng”, “bà nội”, “bà ngoại” của nhiều trẻ em Làng Hòa Bình.
Cuối tháng 8/2024, sau khi nhận được thông báo từ Ban Tổ chức Giải thưởng Ramon Magsaysay, Giáo sư Phượng thật sự bất ngờ: “Lúc này, tôi nhớ đến những nạn nhân chất độc da cam/dioxin. Tôi nhớ những tháng ngày cùng đồng nghiệp miệt mài tìm kiếm bằng chứng về hậu quả của chất độc dioxin tại Việt Nam. Chặng đường gần 50 năm ấy thực sự rất gian nan và bây giờ tôi rất vui vì một lần nữa được quốc tế công nhận”. Bà tuyên bố mạnh mẽ: “Chúng ta có thể chưa thành công về mặt pháp lý, nhưng chúng ta đã nhận được sự ủng hộ của dư luận quốc tế, của những người yêu hòa bình và chúng ta sẽ không bỏ cuộc”.
Cùng với hành trình đi tìm công lý cho nạn nhân da cam, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng còn được biết đến với những thành tựu đã cống hiến cho nền y khoa nước nhà. Bà là người tiên phong đưa kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm về Việt Nam, trở thành “bà tiên” mang giấc mơ hạnh phúc cho những gia đình hiếm muộn. Bà còn là “mẹ đẻ” của chương trình “Cô đỡ thôn bản”, giúp giảm tỷ lệ tử vong và tai biến sản khoa ở các khu vực vùng sâu, vùng xa. Những năm gần đây, bà khởi xướng chương trình "Ươm mầm hạnh phúc", hỗ trợ “tìm con” cho các cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn có hoàn cảnh khó khăn. Ở tuổi 80, Giáo sư Nguyễn Thị Ngọc Phượng vẫn luôn miệt mài làm việc với tâm niệm: "Khi máu còn nóng thì còn làm những điều có ích"./.