Xã hội

Trở thành tỷ phú nhờ nuôi lợn

Vĩnh Phúc

Trung bình, mỗi năm, gia đình chị Thúy xuất bán ra thị trường hơn 2.000 lợn thương phẩm, hơn 500 lợn giống. Với giá lợn hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thúy thu nhập 6-7 tỷ đồng.

Gia đình chị Thúy đã xây dựng được 5 dãy chuồng và nuôi 250 lợn nái, 2.000 lợn thương phẩm theo quy trình VietGAP. (Ảnh: TTXVN phát)

TTXVN - Trẻ tuổi, có công việc ổn định nhưng chị Nguyễn Thị Thúy lại sẵn sàng từ bỏ tất cả để về quê... nuôi lợn. Và trời không phụ lòng, chị đã trở thành tỉ phú nuôi lợn.

Chúng tôi tới thăm trang trại của chị Nguyễn Thị Thúy ở xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc rộng hơn 4ha, nằm xa khu dân cư, được quy hoạch bài bản với hệ thống sản xuất tổng hợp gồm vườn - ao - chuồng. Trang trại khép kín, rất sạch sẽ, đảm bảo môi trường sinh thái.

Chị Thúy tâm sự, để có được cơ ngơi như hôm nay, gia đình chị đã phải trải qua không ít khó khăn, mệt nhọc. Đã có lúc chị cảm nhận mình như rơi xuống “vực thẳm” vì đàn lợn dính dịch bệnh.

Năm 2009, chị bắt đầu chăn nuôi lợn, với quy mô khoảng 10 con lợn nái. Nhận thấy nghề chăn nuôi lợn có tiềm năng, tiến triển tốt, lợi nhuận ổn định, chị mở rộng dần quy mô trang trại, nâng tổng số lợn lên hơn 200 con lợn nái. Chị Thúy bàn với chồng dùng hết tiền lãi và vay thêm ngân hàng tiếp tục mở rộng chuồng trại. Từ chỗ chỉ nuôi 100 con lợn thịt/lứa, dần dần chị nuôi tăng lên 500, rồi 1.000 con lợn thịt…

Sau nhiều năm chăn nuôi ổn định. Năm 2017, giá lợn hơi xuống thấp kỷ lục, có thời điểm chỉ còn 16 nghìn đồng/kg, cùng với dịch lở mồm long móng trên đàn lợn diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh khiến gia đình chị thua lỗ.

Lúc đó tâm trạng buồn lắm, cả nhà bị sốc, hoang mang khi tất vốn tích cóp bị mất trong chớp mắt chỉ vì dịch bệnh, chị Thúy nhớ lại.

Được sự động viên của chính quyền, người thân, chị Thúy cùng các thành viên trong gia đình quyết tâm gây dựng lại cơ đồ. Nhận thấy việc chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học là hướng đi hiệu quả, chị bàn với chồng tiếp tục vay vốn ngân hàng để đầu tư hệ thống chuồng trại khép kín với quy mô lớn. Đến nay, gia đình chị đã xây dựng được 5 dãy chuồng và nuôi 250 lợn nái, 2.000 lợn thương phẩm theo quy trình VietGAP.

Tất cả các dãy chuồng trại đều được xây dựng khép kín, tách biệt với bên ngoài để phòng dịch bệnh. Bên cạnh đó, để quản lý được đàn lợn, chị Thúy lắp đặt hệ thống camera giám sát đàn lợn 24/24 giờ. Toàn bộ hệ thống máng ăn, vòi uống nước đều tự động, đảm bảo nhu cầu ăn uống của đàn lợn. Đặc biệt, lợn được chăn nuôi theo công nghệ sinh học, không sử dụng chất kháng sinh, chất cấm trong chăn nuôi nên sức đề kháng của lợn khá tốt, chất lượng thịt thơm, ngon.

Để tiết kiệm chi phí đầu vào và kiểm soát dịch bệnh, chị Thúy chủ động thực hiện phối giống nhân tạo cho đàn lợn nái tại trang trại. Trang trại của gia đình chị Thúy là địa chỉ tin cậy cung cấp con giống an toàn cho người chăn nuôi trên địa bàn huyện Tam Đảo và các huyện lân cận.

Nhận định nuôi lợn với số lượng quy mô lớn, đồng nghĩa sẽ làm ảnh hưởng đến môi trường, ngay từ đầu, chị Thúy đã đầu tư xây dựng hầm biogas, hệ thống xử lý nước thải đạt chuẩn. Chị Thúy chia sẻ: Để chăn nuôi đàn lợn đạt hiệu quả kinh tế cao thì ngoài yếu tố chọn giống lợn tốt thì việc phòng dịch và vệ sinh chuồng trại phải cực kỳ nghiêm ngặt. Theo định kỳ hàng tháng, gia đình chị tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho đàn lợn thịt và lợn con. Bên cạnh đó, chuồng trại luôn sạch sẽ, khô ráo và phun khử khuẩn sau mỗi đợt lợn xuất chuồng.

Trung bình, mỗi năm, gia đình chị Thúy xuất bán ra thị trường hơn 2.000 lợn thương phẩm, hơn 500 lợn giống. Với giá lợn hiện nay, sau khi trừ chi phí, gia đình chị Thúy thu nhập 6-7 tỷ đồng. Bên cạnh việc nâng cao giá trị kinh tế cho gia đình, chị Thúy còn tạo việc làm cho gần 10 lao động có thu nhập ổn định với mức lương hơn 6-7 triệu đồng/người/tháng.

Nhận thấy khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với trồng cây dược liệu, chị Thúy tiếp tục cải tạo đất đồi, đầu tư trồng thêm cây đinh lăng, kết hợp đào ao thả cá và nuôi ếch, nuôi gà… mỗi năm cho thu nhập thêm hàng trăm triệu đồng.

Ông Trần Chí Đông, Phó Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang cho biết: Chị Nguyễn Thị Thúy là một trong những gương nông dân dám nghĩ, dám làm trong về phát triển kinh tế trên địa bàn xã. Không chỉ sản xuất kinh doanh giỏi, chị Thúy còn tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hội viên khác phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu tại quê hương./.

PV

Xem thêm