Xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật có nghiệp vụ chuyên môn cao để phục vụ người lao động
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật và cán bộ Công đoàn có trình độ tương đương luật sư, luật sư làm việc cho tổ chức Công đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp.
TTXVN - Ngày 17/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức Hội nghị góp ý dự thảo đề án “Xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật và cán bộ Công đoàn có trình độ tương đương luật sư giai đoạn 2023 - 2028”.
Hội nghị là dịp để các chuyên gia, luật sư và lãnh đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố phía Nam thảo luận, góp ý về định hướng mục tiêu, các nhiệm vụ, giải pháp và tháo gỡ những vướng mắc để hoàn thiện lực lượng tư vấn pháp luật phục vụ cho người lao động.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật và cán bộ Công đoàn có trình độ tương đương luật sư, luật sư làm việc cho tổ chức Công đoàn nhằm đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động và tổ chức Công đoàn các cấp. Lực lượng này không chỉ am hiểu về chính sách pháp luật mà cần phải có kinh nghiệm trong hoạt động Công đoàn, từ đó thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; góp phần nâng cao vai trò, vị thế và uy tín của tổ chức Công đoàn Việt Nam trước tình hình mới.
Giai đoạn 2023 - 2028, dự kiến số lượng đoàn viên sẽ tăng mạnh (ước đạt 16 triệu đoàn viên vào năm 2028), nhu cầu tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý của người lao động ngày một tăng cao. Tuy nhiên, so với nhu cầu của đoàn viên, người lao động, khả năng đáp ứng của tổ chức Công đoàn còn hạn chế. Nhiều vụ việc Công đoàn chưa có điều kiện để tư vấn pháp luật và tham gia bảo vệ người lao động tại Tòa án. Việc đại diện cho tập thể người lao động khởi kiện tại Tòa án chưa đạt kết quả như mong muốn.
Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Phan Văn Anh, Việt Nam đang trong tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện, thực hiện đầy đủ các cam kết khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có việc phê chuẩn, thực thi các công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Điều này đòi hỏi Công đoàn các cấp phải thực hiện hiệu quả chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; trong đó, cần phải có đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật chuyên nghiệp và cán bộ công đoàn có trình độ tương đương luật sư, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, người lao động là hết sức cần thiết và quan trọng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Tô Minh Lắm, Chủ tịch Công đoàn các Khu Công nghiệp tỉnh An Giang bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật và cán bộ Công đoàn có trình độ tương đương luật sư. Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm cán bộ Công đoàn, ông Tô Minh Lắm cho rằng, không có hoạt động nào thu hút người lao động bằng việc thông qua tư vấn và bảo vệ người lao động. Đặc biệt trong giai đoạn sắp tới khi có tổ chức đại diện người lao động, tổ chức Công đoàn cần phải khẳng định vai trò, vị thế và uy tín của mình.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Nho, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật, Liên đoàn Lao động tỉnh Tây Ninh đề nghị cần cân nhắc trong việc luân chuyển, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng lực lượng này. Bởi để tích lũy được kinh nghiệm trong việc tư vấn cho người lao động, cần phải có thời gian, việc làm ổn định, lâu dài và bao gồm cả kinh phí hoạt động, chi trả lương…
Nhiều đại biểu đã chỉ ra nhiều khó khăn liên quan đến việc xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật và cán bộ Công đoàn có trình độ tương đương luật sư như: hệ thống văn bản pháp luật về lao động, Công đoàn nhiều và ít ổn định; việc thực hiện tinh gọn biên chế trong bộ máy chính trị. Các đại biểu trao đổi đề xuất việc giao khoán cho luật sư làm việc cho tổ chức Công đoàn trên từng vụ việc; các vấn đề về cán bộ chuyên trách, cán bộ kiêm nhiệm; điều kiện việc làm, chế độ tiền lương, đãi ngộ…
Theo chương trình hành động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đến năm 2030, phấn đấu có ít nhất 75% số vụ việc của đoàn viên, tổ chức Công đoàn có nhu cầu tư vấn, tranh tụng sẽ có đại diện Công đoàn tham gia. Để đạt được mục tiêu này, Công đoàn cần xây dựng đội ngũ cán bộ tư vấn pháp luật đủ về số lượng, chuyên nghiệp để đáp ứng nhu cầu tư vấn, hỗ trợ, đại diện bảo vệ tại Tòa án của người lao động…./.