Xã hội

Gương sáng pháp luật: Luôn "khách quan, thận trọng" khi thực hành quyền công tố

Kiên Giang

Hơn 30 năm gắn bó với ngành Luật, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang Lư Thị Trang Đài được ví như "tham mưu trưởng" trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của Kiên Giang.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang Lư Thị Trang Đài phát biểu tham dự hội nghị ngành tư pháp tại Kiên Giang.(Ảnh TTXVN phát)

Hơn 4 năm làm "tham mưu trưởng" trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang Lư Thị Trang Đài (sinh năm 1969) đã thể hiện sự năng động, sáng tạo, góp phần giải quyết hàng ngàn vụ việc xử lý vi phạm hành chính.

Trò chuyện với Phó Giám đốc Lư Thị Trang Đài, bà tỏ ra rất từ tốn, ít nói về bản thân nhưng khi được hỏi về vấn đề xử lý vi phạm hành chính theo hướng giảm dần các vụ vi phạm, nhất là tư tưởng sợ sai, sợ trách nhiệm của một số cán bộ đôi mắt bà như sáng lên. Bà Trang Đài cho biết, trong hơn 30 năm làm trong ngành Luật với nhiều kỷ niệm vui buồn, trong đó 26 năm 6 tháng làm trong ngành Kiểm sát và hơn 4 năm nay trên cương vị là Phó Giám đốc Sở Tư pháp, bà đã góp phần thay đổi tư duy của một số cán bộ sợ làm sai và đã giúp nhiều trường hợp "thoát" tù tội oan sai.

Động lực cống hiến

Bà Trang Đài tâm sự, thấy người nghèo, người ít am hiểu về pháp luật là bà luôn giúp đỡ, vì cũng từng trải qua quãng thời gian cơ cực. Sinh ra và lớn lên ở huyện nông thôn Châu Thành, trong gia đình có 6 anh chị em, bà là con gái thứ ba trong nhà. Do cha bà bị bệnh mù lòa cả hai mắt, mẹ phải vừa mua bán tảo tần, vừa dầu dãi nắng mưa ngoài đồng nên hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn túng thiếu.

Nhờ chăm chỉ học hành lại được sự quan tâm, tận tình dạy dỗ, dìu dắt của thầy cô, sự động viên, lo lắng của cha mẹ, nên suốt 9 năm học ở Trường Trung học Cơ sở Mong Thọ B (huyện Châu Thành), bà Trang Đài luôn là học sinh giỏi và được nhà trường chọn đi thi tuyển học sinh giỏi Văn cấp huyện, tỉnh và cấp quốc gia. Suốt 9 năm học, bà luôn là lớp trưởng và được bầu vào Ban Chấp hành Liên đội của trường. Tốt nghiệp cấp ba, bà đăng ký dự thi vào Trường Cao đẳng Kiểm sát Hà Nội và trúng tuyển vào học khóa đào tạo 8 (hệ chính quy) tại đây từ năm 1988 - 1992. Kết thúc khóa học bà được Ban giám hiệu nhà trường tặng giấy khen về thành tích học tập "Sinh viên tiên tiến toàn khóa". Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng Kiểm sát, bà được điều động về nhận công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.

Khi hỏi vì sao lại chọn ngành Luật, bà Trang Đài bộc bạch: Tôi muốn được tham gia làm nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm để góp phần giữ vững kỷ cương, trật tự an toàn xã hội; đồng thời tham gia bảo vệ pháp luật, đảm bảo cho pháp luật được tuân thủ một cách nghiêm chỉnh, đồng bộ và thống nhất, bảo vệ thỏa đáng quyền dân chủ và quyền công dân, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; thực hiện thắng lợi mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, xă hội dân chủ, công bằng, văn minh".

Nói về những kỷ niệm khó quên trong hơn 30 năm gắn bó với cơ quan luật pháp, bà Trang Đài vẫn còn nhớ như in vào năm 2003, thông qua thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử các vụ án hình sự, bà đã tham mưu báo cáo lãnh đạo Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh quyết định thay đổi tội danh chuyển về huyện điều tra, truy tố, xét xử theo thẩm quyền đối với 9 bị can (là người trong cùng một gia đình) trong vụ án Ngô Văn Phước cùng đồng phạm mua bán mật ong pha chế nhưng không đăng ký kinh doanh.

Bà Trang Đài được ví "tham mưu trưởng" trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của Kiên Giang. (Ảnh:TTXVN phát)

Khi mới khởi tố vụ án, lãnh đạo Viện phân công một kiểm sát viên khác làm nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động điều tra, nhưng sau đó do kiểm sát viên này đi học tập trung ở Thành phố Hồ Chí Minh nên lãnh đạo Viện quyết định chuyển vụ án lại cho bà. Qua nghiên cứu, bà Trang Đài nhận thấy cơ quan điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội "Sản xuất hàng giả" là không đúng; họ thu mua và pha chế mật ong để đem lên Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh bán cho công ty thu mua mật ong pha chế xuất khẩu sang Mỹ, chứ họ không bán ra bên ngoài thị trường. Về giá cả thì giá mật ong họ bán cho công ty thấp hơn giá mật ong thật trên thị trường, còn về tiêu chuẩn chất lượng thì họ phải pha chế theo chỉ tiêu hàm lượng mà công ty đã đặt theo mẫu.

Ngay sau khi nhận được Quyết định thay đổi tội danh, từ tội "Sản xuất hàng giả" sang tội "Kinh doanh trái phép" và được thay đổi biện pháp ngăn chặn, các bị can đã đến cơ quan xin gặp bà để nói lời cảm ơn. Họ chia sẻ: "Nhờ có cán bộ mà chúng tôi được minh oan là không phạm tội sản xuất hàng giả". Bà Trang Đài đã vô cùng xúc động và càng thấm thía hơn về lời dạy vô cùng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát: "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn". Trong công việc hàng ngày của người kiểm sát viên, nếu thiếu thận trọng, thiếu khách quan có khi gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh mệnh chính trị của một con người.

Gỡ khó điểm nghẽn

Tháng 3/2019, UBND tỉnh bổ nhiệm bà Lư Thị Trang Đài là Kiểm sát viên trung cấp, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Rạch Giá về giữ chức Phó Giám đốc Sở Tư pháp để giúp Giám đốc Sở Tư pháp làm nhiệm vụ tham mưu cho UBND tỉnh trong công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật; đồng thời tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh trong việc tiếp nhận, thẩm định hồ sơ liên quan đến xử lý vi phạm hành chính thuộc thẩm quyền.

Tiếp nhận nhiều vụ việc cũ phức tạp giải quyết chưa xong, nhiều vụ việc mới phát sinh, bà đã có sáng kiến đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh ban hành văn bản huy động nguồn lực để tập trung giải quyết như: Thành lập Tổ công tác theo Quyết định số 560/QĐ-UBND để phối hợp xử lý có hiệu quả đối với các vụ việc chiếm đất do Nhà nước quản lý tại khu vực đầm Đông Hồ, thành phố Hà Tiên và khu vực đồng Cỏ Bàng, huyện Giang Thành; kiện toàn Tổ giúp việc và tham gia các hoạt động tố tụng hành chính, dân sự mà mình làm Tổ phó thường trực do Chủ tịch và UBND tỉnh ủy quyền; quyết định giao cho Sở Tư pháp thẩm định, tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh giải quyết các hồ sơ xử lý vi phạm hành chính và các nội dung khác có liên quan… Bà được lãnh đạo UBND tỉnh phân công nhiệm vụ tham gia làm thành viên của Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) của tỉnh, thành viên của nhiều Tổ công tác, đặc biệt là Tổ công tác đặc biệt theo Quyết định 717/QĐ-UBND, với vai trò trách nhiệm là tham mưu xử lý vi phạm, hướng dẫn áp dụng pháp luật về xử lý vi phạm hành chính nhằm góp phần tháo gỡ cảnh báo thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) trong lĩnh vực khai thác thủy sản, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng phá rừng, chiếm đất, vi phạm trật tự xây dựng, khai thác khoáng sản trái phép đang diễn ra rất phức tạp trên địa bàn thành phố Phú Quốc, thành phố Hà Tiên, huyện Giang Thành và huyện Hòn Đất…

Để có được đội ngũ giúp việc trong xử lý vi phạm hành chính, bà Trang Đài chú trọng đến công tác tập huấn xử lý vi phạm hành chính, nội dung thiết thực đi sâu vào những vấn đề chưa rõ hoặc còn có cách hiểu khác nhau để công việc được hanh thông, trôi chảy. Qua các lớp tập huấn, kiến thức, tư tưởng và hành động của cán bộ chuyển biến rõ nét, đa số công chức trong bộ máy công quyền không còn sợ sai, sợ trách nhiệm khi phải xử phạt, cưỡng chế hay tham gia tố tụng trong các vụ khiếu kiện, quyết định xử phạt tại tòa.

Nhận xét về bà Trang Đài, người được ví như "tham mưu trưởng" trong lĩnh vực xử lý vi phạm hành chính của Kiên Giang, anh em đồng nghiệp chỉ nói ngắn gọn hai từ "yên tâm", còn cấp trên thì tin tưởng, điểm nghẽn được khơi thông, công việc được trôi chảy.

Với những nỗ lực cống hiến và cách làm hiệu quả, sáng tạo, thiết thực, bà Lư Thị Trang Đài đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Trưởng Bộ Tư pháp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang tặng nhiều Bằng khen và mới đây bà được vinh danh "Gương sáng pháp luật" do Báo Pháp luật Việt Nam, Bộ Tư pháp tổ chức./.

Lê Sen

Tin liên quan

Xem thêm