Phụ nữ tham gia phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy giá trị văn hóa địa phương
Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức; ghi nhận đóng góp và phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa, phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP.
TTXVN - Sáng 23/6, tại thành phố Bắc Giang, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức diễn đàn “Vai trò của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP".
Diễn đàn nhằm nâng cao nhận thức về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); ghi nhận đóng góp và phát huy vai trò quan trọng của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa, phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP; đồng thời, thực hiện hiệu quả Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01).
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Trần Lan Phương cho biết, với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP, Hội Phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ phụ nữ tham gia và phát triển mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã dưới nhiều hình thức.
Trong 5 năm (2017-2022), Hội Phụ nữ các cấp đã hỗ trợ thành lập mới hơn 800 Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, với trên 14 nghìn thành viên và 11 nghìn tổ hợp tác; thành lập gần 400 mô hình sinh kế hỗ trợ phụ nữ vùng biên giới, biên cương. Ngày càng có nhiều điển hình nữ lãnh đạo các hợp tác xã, doanh nghiệp được đào tạo, trang bị đầy đủ kỹ năng, kiến thức, với tinh thần mạnh dạn, năng động, vượt khó đi lên làm giàu từ tài nguyên bản địa quê hương, thực hiện tốt phương châm “ly nông bất ly hương”, qua đó góp phần bảo tồn các nghề truyền thống, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, giúp nhau thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã trao đổi, đề xuất giải pháp, chính sách nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ đối với việc lưu giữ giá trị văn hóa và phát huy tài nguyên bản địa trong phát triển sản phẩm OCOP.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang Dương Thanh Tùng cho biết, nhằm nâng vai trò của phụ nữ Bắc Giang đối với việc phát triển sản phẩm OCOP, phát huy tài nguyên bản địa, đóng góp xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền các cấp đã lãnh đạo, chỉ đạo Hội Phụ nữ các cấp tập trung tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ tích cực tham gia chương trình xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP tại địa phương. Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức lồng ghép trên 35 nghìn buổi tuyên truyền về vai trò của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế, phát triển sản phẩm OCOP, mô hình điển hình, cách làm sáng tạo có hiệu quả… bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú.
Theo Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh, sau 5 năm triển khai Chương trình OCOP, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ giữ ổn định với khoảng 40%. Đặc biệt, ở khu vực miền núi, tỷ lệ chủ thể OCOP là nữ rất cao, như ở Bắc Trung Bộ lên đến 50,6%, miền núi phía Bắc 43,4% và Tây Nguyên 45,2%. Những con số trên chỉ ra rằng, phát triển sản phẩm OCOP không chỉ là giải pháp để tăng thu nhập mà còn là cơ hội, điều kiện để phụ nữ thực hiện trách nhiệm đối với gia đình và cộng đồng, từ đó đóng góp vào mục tiêu phát triển chung ở khu vực nông thôn.
Để nâng cao vai trò của phụ nữ trong phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát huy giá trị văn hóa, tri thức bản địa của địa phương, một số ý kiến đề nghị, Hội Phụ nữ các cấp cần đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy cho phụ nữ về phát triển kinh tế nông thôn, trong đó có Chương trình OCOP. Cùng đó là tăng cường kiến thức, kỹ năng phát triển kinh tế số cho phụ nữ nông thôn; hình thành không gian để phát huy, tạo sự lan tỏa các giá trị văn hóa, tài nguyên bản địa của sản phẩm OCOP thông qua diễn đàn thương mại điện tử, mạng xã hội.../.
- Từ khóa:
- Phụ nữ
- sản phẩm OCOP
- Bắc Giang