Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh đang triển khai Quyết định 338 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Trước mắt, tỉnh trung xây dựng nhà ở xã hội tại thành phố Nha Trang.
TTXVN - Chiều 24/5, tại thành phố Nha Trang, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại giữa Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và đoàn viên, người lao động tỉnh năm 2023. Tham dự Hội nghị có 100 đại biểu đại diện cho khoảng 86.000 đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh.
Năm 2022, các cấp Công đoàn tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều hoạt động, mang lại hiệu quả thiết thực cho đoàn viên, người lao động: Tiền lương bình quân của người lao động là 8,53 triệu đồng/người/tháng; có 7.500 lượt người có hoàn cảnh khó khăn được Công đoàn hỗ trợ, thăm hỏi với số tiền gần 7 tỷ đồng… Tuy nhiên, nhiều việc cần tiếp tục giải quyết như: tình trạng tai nạn lao động nghiêm trọng, tình hình người lao động mất việc làm, giảm giờ làm, nợ bảo hiểm xã hội và nợ lương của người lao động… Đến ngày 30/4, vẫn còn 550 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, nguyên nhân từ việc giảm đơn hàng, chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, chế biến gỗ, thủy sản. 450 doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội trên 6 tháng…
Ông Bùi Hoài Nam, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa cho biết, đây là dịp để người lao động chia sẻ những thuận lợi, khó khăn, những mong muốn truyền đạt đến lãnh đạo tỉnh nhà, để kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho công nhân, người lao động.
Tại Hội nghị, đại diện các công đoàn cơ sở, đoàn viên, người lao động đưa ra nhiều ý kiến đối thoại với lãnh đạo tỉnh, chủ yếu liên quan đến các nhóm nội dung: Cơ chế chính sách bảo đảm việc làm, thu nhập, nâng cao trình độ nghề nghiệp, lao động nữ và bình đẳng giới, đảm bảo an toàn trong lao động; chính sách, chế độ liên quan đến các loại bảo hiểm liên quan sức khỏe, nghề nghiệp; xây dựng thiết chế nhà ở, khu văn hóa, thể thao, siêu thị cho công nhân, trường học, nhà trẻ cho con của người lao động ở xa, quy chế dân chủ ở cơ sở tại doanh nghiệp… Đặc biệt là các nội dung cụ thể liên quan đến việc hỗ trợ người lao động theo quy định của Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Trả lời các câu hỏi của đoàn viên Công đoàn, người lao động, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, tỉnh đang triển khai Quyết định 338 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Trước mắt, tỉnh trung xây dựng nhà ở xã hội tại thành phố Nha Trang. Theo nhu cầu, dự kiến từ năm 2021 - 2025, tỉnh cần 44.000 căn hộ. Để phục vụ Khu Công nghiệp Suối Dầu, Cụm Công nghiệp Trảng É, tỉnh cho xây dựng nhà ở xã hội dọc Tỉnh lộ 3. Về mặt chính sách, tỉnh sẽ cấp tiền cho Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay trong chương trình 1 triệu nhà ở xã hội.
“Tỉnh sẵn sàng có chính sách hỗ trợ để ngân hàng cho người lao động vay vốn mua nhà ở xã hội. Với trách nhiệm của tỉnh, tôi cùng với các sở, ban, ngành sẽ bàn bạc, cho phép tiến hành xây các nhà ở xã hội bởi nhu cầu của người lao động rất lớn”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói.
Kết luận Hội nghị, ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương ghi nhận và có kế hoạch giải quyết kiến nghị, đề xuất của công nhân; từ nay đến thời điểm diễn ra Đại hội Công đoàn tỉnh phải báo cáo lại cho Ủy ban nhân dân tỉnh việc giải quyết những vấn đề kiến nghị của người lao động.
Đối với việc xử lý “tín dụng đen”, ngành ngân hàng cần xem xét lại thủ tục vay, đảm bảo giải quyết nhanh gọn; các ngành có liên quan tăng cường tuyên tuyền để hạn chế người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần để đảm bảo an sinh lâu dài. Ngoài chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động.
Ông Nguyễn Tấn Tuân đề nghị các cấp Công đoàn tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, người lao động./.