Gia nhập Công ước 131: Hướng đến mức sống cao hơn cho người lao động Việt Nam
"Việc thúc đẩy gia nhập Công ước 131 là một bước tiến mới với mục tiêu đảm bảo mức sống cho người lao động, tạo dựng một môi trường lao động công bằng, phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế.
TTXVN - Ngày 15/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo tham vấn về dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước ILO số 131 về Ấn định tiền lương tối thiểu. Đây là dịp để các chuyên gia lao động tiền lương, đại diện người lao động cùng các cơ quan liên quan các tỉnh, thành phố khu vục phía Nam trao đổi, thảo luận về tiền lương tối thiểu đối với người lao động.
Tại Hội thảo, ông Mai Đức Thiện, Phó Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khái quát về dự thảo hồ sơ trình gia nhập Công ước ILO số 131; nhấn mạnh tầm quan trọng của Công ước 131 là công ước kỹ thuật được Tổ chức Lao động quốc tế thông qua năm 1970; nghĩa vụ của mỗi nước thành viên khi tham gia.
Tại Việt Nam, tiền lương tối thiểu đã có lịch sử lâu đời từ năm 1947 khi Chủ tịch nước Hồ Chí Minh ban hành Sắc Luật 29 quy định về tiền lương tối thiểu là tiền lương, tiền công cho người lao động phải đủ sống trong 1 ngày (tiền lương tối thiểu theo ngày). Tại thời điểm đó, Chính phủ đã quy định Hội đồng Tiền lương mỗi năm họp 1 lần để xem xét mức lương tối thiểu. Đến nay, Việt Nam đang áp dụng mức lương tối thiểu theo vùng cho khu vực ngoài công lập và tiền lương cơ sở trong khu vực công.
"Việc thúc đẩy gia nhập Công ước 131 là một bước tiến mới với mục tiêu đảm bảo mức sống cho người lao động, tạo dựng một môi trường lao động công bằng, phù hợp các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Do vậy, việc lấy ý kiến tham vấn của các chuyên gia, cán bộ quản lý ngành lao động và các tổ chức đại diện người lao động để hoàn thiện hồ sơ gia nhập Công ước số 131 trước khi Chính phủ trình Chủ tịch nước thông qua công ước này vào năm 2014", ông Mai Đức Thiện nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Thanh Mai, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chia sẻ, mong muốn của Việt Nam khi gia nhập Công ước 131 là đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động và gia đình họ, hướng đến mức sống cao hơn, góp phần khắc phục bất bình đẳng trong thu nhập của người lao động, giảm thiểu tranh chấp phát sinh về tiền lương, thúc đẩy phát triển năng suất lao động… Bên cạnh đó, việc tuân thủ các các tiêu chuẩn lao động quốc tế còn giúp hàng hóa Việt Nam có điều kiện tốt hơn tại các thị trường quốc tế khó tính, xuất khẩu hàng hóa thuận lợi hơn, không vướng các rào cản lao động...
Theo ông Xavier Estupinan Gonzalo, Chuyên gia tiền lương của Tổ chức Lao động quốc tế, hệ thống tiền lương tối thiểu đã được thiết lập hoặc củng cố ở nhiều quốc gia để giải quyết tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng lao động. Mức lương tối thiểu phải đủ khả năng bảo vệ cho tất cả người lao động trong quan hệ việc làm, bao gồm cả phụ nữ, thanh niên và lao động di cư, cho dù thỏa thuận hợp đồng của họ thuộc loại nào. Tiền lương tối thiểu là công cụ quan trọng, không chỉ bảo vệ người lao động, đảm bảo mức sống tối thiểu cho họ mà còn bảo vệ sự phát triển an sinh xã hội bền vững của quốc gia.
Đánh giá cao về mục tiêu thúc đẩy gia nhập Công ước 131 của Chính phủ, nhiều đại biểu đại diện cho người lao động đề nghị, dự thảo hồ sơ gia nhập Công ước 131 nên quy định rõ hơn về cơ chế xác định mức sống tối thiểu để; từ đó, dễ dàng xác định được mức lương tối thiểu. Các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về Công ước số 131 và việc đề xuất gia nhập Công ước; phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng Công ước; đồng thời, đề xuất nguyên tắc, cơ chế điều chỉnh lương tối thiểu, các tiêu chí xác định lương tối thiểu, biện pháp áp dụng, thực thi quy định về lương tối thiểu, kinh nghiệm quốc tế, hoàn thiện hồ sơ trình gia nhập…
Hội thảo diễn ra đến hết ngày 16/11./.