Thực thi chính sách

Góp ý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Vì quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động

TP. Hồ Chí Minh

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội là rất cần thiết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách bảo hiểm xã hội.

Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

TTXVN - Chiều 16/10, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Tại Hội thảo, các đại biểu cho rằng, việc ban hành Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội là rất cần thiết để thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về cải cách bảo hiểm xã hội hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân; phát triển hệ thống bảo hiểm xã hội linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại, hội nhập quốc tế theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) ra đời nhằm giải quyết tồn tại, hạn chế, bất cập của Luật Bảo hiểm xã hội 2014; góp phần nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và phát triển hệ thống thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, tin cậy, minh bạch; hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội.

Luật sư Trương Thị Hòa, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị, tách Điều 3 của Dự thảo thành hai điều quy định hai đối tượng khác nhau là đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc và tự nguyện; đề nghị bổ sung hành vi bị nghiêm cấm “thế chấp, đặt cọc, cho thuê, cho mượn Sổ Bảo hiểm xã hội” (quy định tại Điều 8).

Luật sư Trương Thị Hòa đề nghị, bổ sung thêm đối tượng lao động là người Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Điều 20 (Đối tượng áp dụng), để phù hợp với quy định của Điều 18 của Hiến pháp 2013.

Góp ý với Điều 118 của Dự thảo Luật về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, Luật sư Trương Thị Hòa chọn phương án quy định mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở số phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ Quỹ bảo hiểm xã hội, vì hợp lý và có cơ sở phần trăm của dự toán thu, chi bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, đề nghị Luật này có hiệu lực sớm hơn kể từ ngày 31/12/2024 vì cần phát huy vai trò của bảo hiểm xã hội, tăng cường, khuyến khích phát triển bảo hiểm xã hội thực hiện quyền bảo đảm an sinh của người dân theo Điều 34 Hiến pháp năm 2013.

Quan tâm đến các quy định về bảo hiểm xã hội một lần quy định tại Điều 70 của Dự thảo Luật, bà Ung Thị Xuân Hương, Đoàn Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, Dự thảo đưa ra 2 phương án rút bảo hiểm xã hội một lần, đều có ưu điểm và nhược điểm. Phương án thứ hai để hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần (chỉ cho rút 50%) nhưng có thể vi phạm quyền tài sản của cá nhân vì số tiền bảo hiểm xã hội là quyền tài sản hợp pháp của công dân, về pháp lý chủ sở hữu có quyền định đoạt.

Bà Ung Thị Xuân Hương đề nghị, để hạn chế người lao động rút bảo hiểm một lần, Nhà nước cần có giải pháp đồng bộ như: Tăng cường tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu về lợi ích lâu dài của bảo hiểm xã hội; minh bạch nguồn tiền người lao động đóng vào bảo hiểm xã hội; có chính sách tín dụng hỗ trợ người lao động rơi vào hoàn cảnh khó khăn với lãi suất thấp giúp họ trang trải cuộc sống tạm thời và không rút bảo hiểm xã hội một lần. Bên cạnh đó cần có chính sách tăng quyền lợi đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, giảm dần số năm đóng tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí…

Góp ý tại Điều 64 Dự thảo về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, Luật sư Ung Thị Xuân Hương cho rằng, việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm sẽ tạo điều kiện cho nhiều người lao động tiếp cận chính sách hưu trí. Đây là chính sách an sinh lâu dài khi lao động tuổi cao, vì ngoài lương hưu còn có quyền lợi khác như khám, chữa bệnh, tử tuất… Quy định này góp phần giảm thiểu tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần.

Bà Ung Thị Xuân Hương đề nghị, cần quy định cấm xuất cảnh đối với người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 3 tháng trở lên; bổ sung chủ thể có thể khởi kiện là “Người lao động” và “tổ chức Công đoàn”, vì đây là những chủ thể có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi của người lao động. Đồng thời, bổ sung chủ thể có thể kiến nghị xử lý hành vi trốn đóng bảo hiểm là “Người lao động” và “tổ chức Công đoàn” vì người lao động, tổ chức Công đoàn khi phát hiện người sử dụng lao động trốn đóng bảo hiểm hoặc bất cứ ai khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật đều có quyền tố giác tội phạm theo quy định của pháp luật.

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) gồm 10 Chương, 136 Điều./.

Xuân Khu

Tin liên quan

Xem thêm